Với mức giá hiện tại, P/E của doanh nghiệp này đã đạt mức 79 lần.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 28/11, cổ phiếu DHT của Dược Hà Tây đã tăng sát trần gần 10% lên mức đỉnh lịch sử 88.500 đồng/cp. Có lúc trong phiên cổ phiếu này đã tăng trần. Thị giá của DHT đã tăng gần 4 lần kể từ đầu năm cho đến nay.
Với mức giá hiện tại, P/E của Dược Hà Tây đã đạt mức 79 lần. Vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này ở mức gần 7.300 tỷ đồng, vượt Imexpharm và Dược Việt Nam để xếp thứ 2 ngành dược tại Việt Nam.
Cổ phiếu Dược Hà Tây cùng một số cổ phiếu ngành dược khác tăng mạnh trong thời gian đần đây nhờ một số điều luật dược được sửa đổi. Theo đó, ngày 21/11, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật Dược sửa đổi) với 7 nhóm điểm mới cơ bản.
Đáng chú ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã làm rõ các khái niệm: Dược liệu (bao gồm cả vị thuốc cổ truyền) là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, nấm và đạt tiêu chuẩn làm thuốc.
Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong đó bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, Website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Luật mới được thông qua cũng nêu rõ khi kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, cơ sở kinh doanh dược phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, pháp luật về thương mại điện tử, pháp luật về quảng cáo và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Luật cũng quy định, kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện một trong các trường hợp sau: Giá bán buôn thuốc dự kiến cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng thuốc tương tự đã công bố, công bố lại mà chưa có kiến nghị của Bộ Y tế, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá.
Trường hợp thuốc có giá bán buôn dự kiến có hàm lượng hoặc nồng độ theo đơn vị liều khác với các mặt hàng thuốc tương tự thì sẽ thực hiện so sánh mức giá theo quy đổi tương đương; mức chênh lệch của giá bán buôn thuốc dự kiến so với giá trúng thầu của chính mặt hàng thuốc đó cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá; thuốc có giá bán buôn dự kiến công bố, công bố lại chưa có mặt hàng thuốc tương tự lưu hành tại Việt Nam và có mức giá công bố, công bố lại cao hơn giá bán tại nước xuất xứ hoặc nước khác, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá.
Ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho hay, Luật Dược (sửa đổi) còn mở rộng quyền của cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, cho phép cung cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế đặc thù và cơ sở khám chữa bệnh nhằm phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt.
Luật cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký lưu hành thuốc, giảm thiểu cấp số trùng lặp và có quy định đặc thù để đáp ứng kịp thời trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh.
Bình luận (3)