Vượt qua những khó khăn và thách thức của ngành, cổ phiếu cao su có thể trên đà trở lại thời hoàng kim trong thời gian tới.
Tuy nhiên không phải cổ phiếu nào trong ngành cao su cũng sẽ tăng giá mạnh. Do đó, các nhà đầu tư cần sàng lọc kỹ.
Giá cao su xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng cao hơn.
Cung giảm, cầu tăng
Mặc dù thời tiết đã được cải thiện trong thời gian gần đây nhưng cơn bão Yagi đã khiến việc khai thác cao su gặp khó khăn, làm trì hoãn nguồn cung nguyên liệu dự kiến tăng trong mùa cao điểm, khiến giá cao su tăng mạnh.
Cuối tháng 9/2024, giá cao su RSS3 đạt 418 JPY/kg, tăng 83%, và giá cao su TSR20 đạt 212 USD/kg, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cao su bình quân của Việt Nam trong tháng 9/2024 đạt 1,697 USD/tấn, tăng 30% và 9 tháng 2024 đạt 1,588 USD/tấn, tăng 19%. Tổng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 12%, cho dù sản lượng xuất khẩu giảm 6%.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao cho tới cuối năm nay do nguồn cung thiếu hụt, nhu cầu tăng sau khi Trung Quốc thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế và diện tích cao su giảm do xu hướng chuyển đổi đất cao su.
Cụ thể, về nguồn cung, Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tiếp tục hạ dự báo nguồn cung cao su tự nhiên năm 2024 từ 14,54 triệu tấn xuống 14,50 triệu tấn. Về nhu cầu, ANRPC điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu trong năm nay từ 15,67 triệu tấn lên 15,75 triệu tấn. Như vậy, dự báo nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng khoảng 2,3% trong năm 2024.
Chế biến mủ cao su ở Công ty TNHH MTV Ea H'leo. Ảnh: Sơn Trang.
Lực đẩy từ chuyển đổi đất
Một yếu tố nữa hỗ trợ giá cao su trong dài hạn, đó là xu hướng chuyển đổi đất trong ngành giúp neo cao giá cao su. Hiện nay, các quốc gia có nguồn cung cao su lớn đã có chính sách hạn chế sản lượng, hợp tác quản lý nguồn cung giữa các quốc gia để cân đối với thị trường. Thái Lan (chiếm 33% sản lượng cao su thế giới) cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia, đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới, có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Còn ở Việt Nam, chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, điển hình như GVR đã được phê duyệt chuyển đổi hơn 23.000 ha đất, PHR định hướng chuyển đổi 10.869 ha đất, DPR chuyển đổi 1.621 ha đất... Bởi vì, cho thuê đất khu công nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cao su. Như vậy, xu hướng chuyển đổi đất cao su sẽ hỗ trợ tích cực cho giá cao su trong thời gian tới.
Tiềm năng bán tín chỉ carbon
Với tổng diện tích rộng lớn rừng cao su hiện nay không chỉ đem lại giá trị kinh tế từ mủ cao su, gỗ cao su mà ngành cao su ở Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.
Với diện tích khoảng 910.000 ha rừng cao su ở Việt Nam, lượng carbon tích lũy hàng năm ước tính dao động từ 22,75 triệu tấn đến 27,3 triệu tấn CO2. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon từ các đồn điền cao su tại Việt Nam.
Thu nhập từ bán tín chỉ carbon được thống kê là một nguồn thu nhập đáng kể của các ngành hàng có liên quan tới trồng rừng và phát triển kinh tế rừng, trong đó có rừng cao su. Uớc tính thu nhập từ bán tín chỉ carbon có thể dao động tùy theo lượng CO2 hấp thụ và giá bán tín chỉ carbon trên thị trường: Ở mức thấp (30 tấn CO2/ha/năm và giá 5 USD/tín chỉ), khoảng 136,5 triệu USD/năm. Ở mức cao (30 tấn CO2/ha/năm và giá 40 USD/tín chỉ), khoảng 1.092 triệu USD/năm. Điều này cho thấy tiềm năng thu nhập từ bán tín chỉ carbon của ngành cao su Việt Nam là rất lớn.
Xem xét cổ phiếu nào?
Trong số các cổ phiếu ngành cao su, các nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu sau đây:
Thứ nhất là cổ phiếu DPR của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú. DPR hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng, khai thác mủ cao su và chế biến các sản phẩm cao su thô để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, DPR đang giao dịch tại mức P/E = 15,43 và EPS là 2.849 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu DPR ở quanh mốc 38.000 đồng/cp.
Thứ hai là cổ phiếu GVR của Tổng Công ty cao su Việt Nam. GVR là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực chế biến mủ cao su, được hưởng lợi từ giá cao su tăng khi mảng cao su đóng góp 70% lợi nhuận gộp. Dự báo kết quả kinh doanh mảng cao su năm 2024 của GVR tăng trưởng tốt, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt tăng 9% và 40%. Ngoài ra, GVR đã được phê duyệt chủ trương chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp, có thể đem lại lợi nhuận đột biến cho GVR trong thời gian tới. Nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu GVR quanh vùng giá 32.000 đồng/cp.
Thứ ba là cổ phiếu PHR của Công ty Cổ phần cao su Phước Hoà. PHR là doanh nghiệp chế biến mủ cao su với sản lượng hàng năm trên 30.000 tấn, ước tính mảng cao su đóng góp 50% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này. Kết quả kinh doanh của PHR dự kiến khả quan trong năm 2024 do giá bán cao su bình quân có thể đạt 44 triệu đồng/tấn, nhờ đó doanh thu mảng cao su tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu PHR khi ở quanh vùng 52.000đ/cp.
Bình luận (9)