Triển vọng tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ hỗ trợ đáng kể cho các công ty chứng khoán trong thời gian tới.
Lợi nhuận mảng đầu tư của các công ty chứng khoán tăng mạnh từ đầu tư tài sản có thu nhập cố định và đầu tư cổ phiếu.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm nay, VN-Index đã tăng 13,8%, HNX-Index tăng 4%, mức vốn hóa thị trường đạt 1.590 nghìn tỷ đồng. Giao dịch bình quân đạt gần 6.200 tỷ đồng/phiên, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Lợi nhuận ngành được cải thiện
Lợi nhuận của ngành chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư khi thanh khoản được cải thiện.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của toàn ngành chứng khoán đã tăng lên 5,1% trong 08 tháng đầu năm nay. Tâm lý thị trường và nhà đầu tư được cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp và tỷ lệ chậm trả gốc/lãi trái phiếu phát sinh mới giảm dần đã thúc đẩy khối lượng giao dịch, định giá cổ phiếu, và khuyến khích nhà đầu tư vay ký quỹ nhiều hơn. Lợi nhuận từ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán lớn (SSI, VPSS, HCM, MBS) đã tăng 40 - 70% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tăng 25%.
Các công ty có danh mục đầu tư cổ phiếu lớn (VCI, SHS, VDS) đã ghi nhận sự gia tăng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. Kỳ vọng lợi nhuận từ cho vay ký quỹ và đầu tư các tài sản có thu nhập cố định sẽ giúp các công ty chứng khoán duy trì ROAA ở mức ổn định, tạo đòn bẩy cho cổ phiếu ngành bứt phá.
Củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro
Các công ty chứng khoán, như TCBS, VPBANKS, VND đã gia tăng quy mô danh mục trái phiếu được phát hành bởi những doanh nghiệp lớn và tiếp tục cam kết môi giới mua lại trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư. Trong đó, VND đã ghi nhận các khoản phải thu quá hạn trong quý 2/2024 từ khách hàng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà gần đây họ đã chậm trả gốc/lãi trái phiếu. Trong khi đó, các khoản cho vay ký quỹ với khách hàng lớn gia tăng.
Những khoản này làm tăng rủi ro cho các công ty chứng khoán, nếu buộc phải bán giải chấp tài sản đảm bảo trong giai đoạn giảm giá của TTCK. Tuy nhiên, các đợt tăng vốn của nhiều công ty chứng khoán lớn và công ty chứng khoán có liên quan với ngân hàng sẽ giúp củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro.
Với tổng giá trị tài sản thanh khoản cao, như tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi chiếm 30% tổng tài sản của công ty chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro thanh khoản toàn ngành chứng khoán do sử dụng đòn bẩy cao hơn vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán như FTS, MBS, VND thường có 20 - 50% nguồn vốn vay từ khách hàng tổ chức và cá nhân, có thể phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn, bởi khi tiêu cực xảy ra có thể kích hoạt việc rút vốn hàng loạt từ các khách hàng, dẫn đến các vấn đề thanh khoản cho TTCK. Đó là những điều mà các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu chứng khoán cần lưu ý nhằm tránh rủi ro.
Xem xét cổ phiếu nào?
VN-Index dự báo sẽ đạt 1.330 – 1.350 điểm cuối năm 2024, tăng 19% so với cùng kỳ, P/E với kỳ vọng lợi nhuận thị trường tăng trưởng 18%. Theo đó, các nhà đầu tư có thể xem xét các cổ phiếu sau đây:
Một số CTCK có rủi ro tái cấp vốn. Ảnh minh họa: T.N
Thứ nhất là cổ phiếu VCI của Công ty Chứng khoán Vietcap. Trong 6 tháng đầu năm nay, VCI đã hoàn thành tới 69% kế hoạch doanh thu và 82% kế hoạch lợi nhuận. Riêng mảng lợi nhuận từ cho vay margin tăng đột biến gần 38%. Hiện tỷ lệ dư nợ/vốn chủ sở hữu của VCI đã giảm xuống mức 90%. Trong thời gian tới, dư địa cho vay margin của doanh nghiệp này sẽ được mở rộng khi VCI hoàn tất các phương án tăng vốn.
Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư khi cổ phiếu VCI quanh vùng giá 28.000-30.000 đồng/cp. Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý rủi ro đối với VCI khi quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam chậm hơn dự kiến, hệ thống KRX không vận hành theo đúng kế hoạch và khả năng cạnh tranh mảng dịch vụ không cao bằng các đối thủ trong ngành do VCI không có chủ trương hạ phí về 0.
Thứ hai là cổ phiếu SSI của Công ty Chứng khoán SSI. Doanh nghiệp này vẫn duy trì khá tốt vị trí top đầu thị phần môi giới trong các năm qua nhờ tích cực nghiên cứu để ra mắt các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Nổi bật trong thời gian gần đây là sản phẩm iFollow - Dịch vụ lựa chọn đầu tư theo danh mục đầu tư mẫu của các chuyên gia. Như vậy, khi hệ thống KRX đi vào hoạt động, SSI sẽ là một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất nhờ tệp khách hàng cá nhân lớn và sản phẩm tài chính chất lượng.
Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư khi cổ phiếu SSI quanh vùng giá 28.000-30.000 đồng/cp. Tuy nhiên, có điểm lưu ý là hiện dư nợ margin của SSI tăng cao; TTCK có thể sẽ tiếp tục biến động khó lường, khiến mảng môi giới của SSI suy giảm.
Thứ ba là cổ phiếu BSC của Công ty Chứng khoán BIDV. BSC đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 550 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023. Việc chuẩn bị thành lập Công ty Quản lý quỹ với cổ đông chiến lược là Edmond de Rothschild sẽ giúp BSC có thêm "đòn bẩy" để phục vụ khách hàng thông qua việc cung cấp đa dạng các giải pháp tài chính – đầu tư, đồng thời giúp BSC tiếp cận các thị trường tiềm năng và phát triển cơ hội hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư đối với BSC khi cổ phiếu này ở vùng 40.000 đồng/cp.
Bình luận (26)