Trong khi nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức cao, đúng hạn thì vẫn có những công ty cả chục năm qua liên tiếp nợ cổ tức.
10, 15 năm vẫn chưa trả cổ tức
Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (mã chứng khoán SJS) mới thông báo lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 (tỷ lệ 10%) và 2017 (tỷ lệ 10%) đến hết năm 2024. Điều này tương đương kéo dài thời gian thêm 1,5 năm so với thông báo cũ là sẽ chi trả vào cuối tháng 6 vừa qua. Vẫn với lý do quen thuộc là công ty chưa có đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông như đã thông báo.
Đây là lần thứ 9 công ty SJC trì hoãn việc thanh toán cổ tức 2016 và là lần thứ 5 trì hoãn chi trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Thậm chí, vào giữa năm 2019 và đầu tháng 12.2021, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã phải có công văn nhắc nhở công ty nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ chi trả cổ tức cho cổ đông theo đúng quy định hiện hành và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức cho cổ đông.
Nhiều doanh nghiệp nợ cổ tức 10, 15 năm
Tương tự, Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Bình Thuận (mã chứng khoán ABS) cũng vừa thông báo gia hạn lần thứ 5 về việc trả cổ tức bằng tiền năm 2021 sang ngày 29.9 thay vì thanh toán vào cuối tháng 8 như thông báo trước đây. Công ty không nêu lý do cụ thể. Còn theo thông báo dời lần thứ 4 thì công ty cho biết do khó khăn chung ảnh hưởng đến nguồn thu từ khách hàng, kế hoạch thu không đúng như dự kiến nên công ty cần thêm thời gian cân đối dòng tiền.
Đáng chú ý, Công ty CP Dầu khí Đông Đô (mã chứng khoán PFL) thậm chí tiếp tục khất nợ cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2010 khi dời ngày thanh toán từ cuối tháng 6.2023 đến cuối tháng 6.2025 với lý do hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, công tác thu hồi vốn, thu hồi nợ hay thoái vốn tại các dự án không đạt như kế hoạch đề ra. Công ty ưu tiên tập trung vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh và chưa cân đối đủ nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Như vậy, công ty này đã khất nợ cổ tức với cổ đông đến 15 năm.
Trước đó, Công ty CP Lilama 45.4 (mã chứng khoán L44) cũng đã thông báo dời việc thanh toán cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền từ cuối năm 2022 sang cuối năm 2023. Đây là lần thay đổi thứ 8 của công ty. L44 cho biết đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Công ty sẽ sắp xếp nguồn vốn và ưu tiên trả các khoản nợ người lao động, ngân sách, do đó chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức...
Cổ đông bất lực
Năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt ông Hoàng Văn Dư - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Lilama 45.4 số tiền 60 triệu đồng do dời ngày trả cổ tức năm 2012 và 2013 đến tận cuối năm 2016 (thay vì sẽ trả vào cuối tháng 7.2015) sau nhiều lần dời lại trước đó. Việc này đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, L44 vẫn chưa thanh toán cổ tức của 2 năm 2012 - 2013.
Theo các chuyên gia tài chính, việc không thanh toán được cổ tức theo kế hoạch là sự yếu kém trong quản trị doanh nghiệp của ban lãnh đạo. Cổ đông có thể khởi kiện để yêu cầu công ty trả cổ tức vì đây là một khoản nợ với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như chưa có nhà đầu tư nào thực hiện vì cho rằng số cổ tức không nhiều, mất thời gian... Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, các doanh nghiệp nhiều năm liền xin khất nợ cổ tức khiến các nhà đầu tư chán ngán. Thực tế cũng không thấy trường hợp nào có thể khiếu kiện hay đòi được vì công ty đã thông báo không có tiền. Hơn nữa, số lượng cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài cũng chỉ chiếm tỷ lệ cổ phiếu thấp so với tỷ lệ sở hữu của ban lãnh đạo ở nhiều công ty nên hầu như các ý kiến không có trọng lượng.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư cá nhân chỉ nắm giữ cổ phiếu trong thời gian ngắn, dưới 1 năm, rất hiếm người kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu lên vài năm. Chính vì vậy việc không thanh toán cổ tức đúng hẹn như đã thông báo của nhiều doanh nghiệp khiến nhà đầu tư không có niềm tin để rót tiền mua cổ phiếu cho mục tiêu dài hạn.
Do đó ông Tuấn cho rằng đối với các nhà đầu tư, nếu lựa chọn cổ phiếu để mua vào với tiêu chí nhận cổ tức thì nên xem xét kỹ lịch sử thanh toán của doanh nghiệp và có dòng tiền tốt để tránh ôm "cục tức" khi bị khất nợ liên tục. Đó là chưa kể hầu hết những doanh nghiệp đang khất nợ cổ tức nhiều năm liền cũng rơi vào tình trạng kinh doanh bê bết, cổ phiếu nằm trong trạng thái cảnh báo, kiểm soát...
Bình luận (17)