Mỗi tháng, chàng trai này chỉ tiêu khoảng 5 triệu đồng.
Với những người đã thành công xây dựng thói quen tiết kiệm, một trong những vấn đề lớn nhất mà họ quan tâm sau đó, chính là nên làm gì để khoản tiền nhàn rỗi của mình sinh lời.
Đây cũng chính là băn khoăn của chàng trai sắp bước sang tuổi 30, hiện còn độc thân trong câu chuyện dưới đây.
Ảnh minh hoạ
“Em là nam, sắp 30 tuổi nhưng mới đi làm 1,5 năm nay. Em mong muốn tìm hiểu các phương án tích luỹ, đầu tư cho dòng tiền của em.
Đôi chút về tình hình thu nhập hằng tháng:
- Lương văn phòng (thực nhận): 15,5 triệu- Lương kiếm thêm bên ngoài: 7 triệu
- Tổng thu nhập: 22,5 triệu
Sắp tới em cũng chuẩn bị đi gia sư thêm buổi tối để tăng thu nhập.
Tình hình chi tiêu hàng tháng của em:
- Ăn uống: 2.5tr
- Điện nước, phí quản lý, gửi xe, xăng xe: 2 triệu
- Phát sinh, chi tiêu bên ngoài: 500k
- Nhà: Em đang ở nhà của bố mẹ nên không mất tiền thuê nhà.
- Tổng chi tiêu: 5 triệu
Mỗi tháng em dư khoảng 17,5 triệu. Hiện tại, em cũng có tiết kiệm được 300 triệu nhưng chỉ gửi ngân hàng. Em mong muốn tìm phương án phát triển dòng tiền nhàn rỗi này ạ” - Chàng trai viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, mọi người đều khen ý thức tiết kiệm của chàng trai này. Có thể thấy, anh không mua sắm hay ăn chơi quá nhiều, các khoản chi đều là chi phí cố định, không thể cắt bỏ.
“Trước mắt bạn có dòng tiền dư ra đều đặn 17,5 triệu/tháng và 300 triệu tiền mặt. Theo mình, bạn nên:
- Về khoản 300 triệu, bạn tách làm 2 phần. 1 phần khoảng 30-50 triệu làm quỹ khẩn cấp phòng khi cấp bách. Nhưng vì không phải tháng nào cũng có việc khẩn cấp nên bạn có thể gửi tiết kiệm online kỳ hạn 1 tháng 1 với khoản 30-50 triệu này. Phần còn lại khoảng 250-270 triệu, bạn chọn gửi tiết kiệm dài hạn, chọn ngân hàng có lãi suất tốt nhất mà gửi.
- Về khoản tiền 17,5 triệu/tháng, bạn có thể cân nhắc mua 1 chỉ vàng, phần còn dư ra dùng để đầu tư cho bản thân, có thể đi học thêm.
Chưa có kiến thức, kinh nghiệm đầu tư, mình nghĩ làm vậy là phương án an toàn nhất. Còn đầu tư thì luôn có rủi ro đi kèm, nên bạn phải cân nhắc thật kỹ” - Một người đưa lời khuyên.
“Nên trích 1 khoản mua bảo hiểm bạn ạ. Mình không bán bảo hiểm đâu, nhưng có bảo hiểm thì nếu sức khoẻ có vấn đề, tài chính của mình cũng không bị thâm hụt quá nhiều. Mình đã đi theo hướng như vậy và thấy nó phù hợp với mình” - Một người để lại bình luận dưới hình thức ẩn danh.
“Nếu định lấy vợ thì nên chuẩn bị tiền làm đám cưới, khuyên bạn vậy thôi chứ duy trì được việc tiết kiệm là giỏi rồi, đầu tư thì cũng còn tuỳ người, chưa có kiến thức thì nên tự học, tự trau dồi và đầu tư với vốn nhỏ trước cho an toàn” - Một người khác chia sẻ.
Phân bổ tiền tiết kiệm ra sao để "tiền đẻ ra tiền"?
Nếu bạn cũng đang tiết kiệm được 1 số tiền nhất định mỗi tháng, và quyết tâm duy trì việc tiết kiệm này trong thời gian dài, dù vì bất kỳ mục đích nào, bạn có thể cân nhắc phân bổ tiền tiết kiệm theo phương án dưới đây, để vừa giúp tiền sinh lời, vừa hạn chế tối đa rủi ro mất tiền do không có kiến thức đầu tư: Một phần tiền dùng để mua vàng, một phần tiền dùng để gửi tiết kiệm.
Với những người chưa có kiến thức đầu tư, gửi tiết kiệm, mua vàng và giữ vàng trong dài hạn chính là 2 phương án gần như an toàn nhất.
Anh Gerard Do
"Khi nền kinh tế gặp bất ổn, khủng hoảng, nhiều người sẽ mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Nếu bạn có một khoản tiền và đang không biết làm gì với nó, bạn có thể mua vàng và quên nó đi, nghĩa là bạn giữ vàng qua nhiều đợt biến động thì tài sản của bạn vẫn còn nguyên, bảo toàn được giá trị.
Nhưng nếu bạn mua vàng với tư duy đợi giá vàng lên rồi đem bán, tôi cho rằng đây là suy nghĩ rất tai hại, vì không có thị trường nào bền vững đi lên mà không đi xuống, đặc biệt là giá vàng đã tăng quá cao dạo gần đây càng làm cho thị trường này rủi ro hơn với các khoản đầu cơ ngắn hạn" - Chuyên gia đầu tư Gerard Do từng nhận định và đưa ra lời khuyên với việc mua vàng tích sản.
Còn với việc gửi tiết kiệm, nếu duy trì việc gửi đều đặn hàng tháng và tái tục khoản tiết kiệm, kỳ quan lãi kép có thể giúp số tiền của bạn sinh lời đáng để, mà rủi ro mất tiền lại không quá lớn.
Nếu bạn chưa biết: Lãi kép ngân hàng, hay còn gọi là lãi suất kép, phát sinh khi khách hàng tái tục toàn bộ số tiền gốc và lãi nhận được sau một kỳ tiết kiệm.
Sau một kỳ hạn gửi tiết kiệm, khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền lãi ngoài khoản tiền gốc. Nếu cộng số tiền lãi này vào số tiền gốc ban đầu để tiếp tục gửi tiết kiệm, tiền lãi của kỳ hạn tiếp theo được gọi là lãi kép. Chu kỳ này lặp lại càng nhiều thì số tiền lãi càng cao.
Ví dụ: Bạn gửi tiết kiệm 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm trong vòng 10 năm.
Theo công thức tính lãi kép, số tiền bạn nhận được sau 10 năm là: 100.000.000 x (1 + 6%)^10 = 179.084.770 (VND)
Trong khi đó, nếu tính theo phương pháp lãi đơn thì sau 10 năm tổng số tiền bạn nhận được là: (100.000.000 × 6% × 10) + 100.000.000 = 160.000.000 (VND)
Qua đó, có thể thấy, khi áp dụng lãi kép ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được nhiều tiền lời hơn so với lãi đơn thông thường. Đặc biệt, thời gian gửi càng dài (chu kỳ gửi tiết kiệm càng lớn) thì tiền lợi nhuận mà bạn nhận được từ lãi kép sẽ càng cao.
Ngọc Linh
Bình luận (1)
Quan trọng nhất đừng có vào ck ko lại báo nợ thêm gia đình lại lục đục.