Cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế.
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại CTCP Cảng Chân Mây (UPCoM: CMP), HĐQT công ty này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 467 triệu đồng, một mục tiêu khá tham vọng khi đã 2 năm liên tiếp doanh nghiệp này thua lỗ.
Năm 2024, CMP đặt chỉ tiêu tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 4,7 triệu tấn và sản lượng hàng container 23.760 TEUs, lần lượt tăng 19% và 222% so với thực hiện 2023.
Về các chỉ tiêu tài chính, tổng doanh thu dự kiến của công ty đạt 276,4 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước và mục tiêu lãi trước thuế đạt 467 triệu đồng, trong khi năm 2023 lỗ gần 7,4 tỷ đồng và năm 2022 lỗ gần 9,4 tỷ đồng.
Kế hoạch này của CMP cho thấy doanh nghiệp đang nỗ lực thoát lỗ sau 2 năm liên tiếp không có lãi.
Về kế hoạch khai thác cảng trong năm 2024, Cảng Chân Mây sẽ tiếp tục khai thác tối đa công suất tại Bến số 1 và Bến số 2. Đồng thời, làm các thủ tục nâng cấp Bến số 1 tiếp nhận được hàng container và tàu dăm gỗ 70.000 DWT để linh hoạt trong hoạt động điều hành sản xuất.
Tại diễn biến liên quan, dự kiến tại ĐHĐCĐ năm 2024 sắp diễn ra, HĐQT CMP sẽ trình đại hội thông qua kế hoạch đầu tư hơn 304 tỷ đồng trong năm nay, bao gồm hơn 287 tỷ đồng cho các dự án, hạng mục chuyển tiếp từ năm 2023, mà chủ đạo là dự án Bến số 2 - Cảng Chân Mây (giai đoạn hoàn thiện) gần 245 tỷ đồng toàn bộ từ vốn liên kết đầu tư; còn lại hơn 17 tỷ đồng cho các hạng mục đầu tư năm 2024.
Về phần dự án đầu tư xây dựng Bến số 2 - Cảng Chân Mây, nhiều nội dung liên quan đến diện tích quy hoạch, nguồn vốn và tiến độ thực hiện cũng sẽ được trình đại hội thông qua điều chỉnh.
Cụ thể, diện tích đất, mặt nước dự kiến giảm còn 13, 21 ha, trong đó 10, 61 ha xây dựng công trình cảng và 2,6 ha khu nước trước bến, nhằm phù hợp theo quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tổng vốn đầu tư của dự án vẫn giữ nguyên là 849 tỷ đồng, nhưng sẽ thay đổi ở phần nguồn vốn huy động 595 tỷ đồng từ "vay các tổ chức tín dụng" thành "vốn vay hoặc liên doanh liên kết", nhằm phù hợp với cơ cấu nguồn vốn huy động thực tế.
Tiến độ thực hiện dự án cũng có sự thay đổi, theo đó thời gian hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác dời từ quý 1/2020 sang quý 2/2021, đồng thời vốn đầu tư cũng điều chỉnh giảm từ 480 tỷ đồng còn 385 tỷ đồng.
Với giai đoạn 2 (hoàn thiện), thời gian khởi công dời từ quý 2/2020 sang quý 1/2024; hoàn thành toàn bộ dự án và đưa vào khai thác dời từ quý 2/2021 sang quý 4/2026; vốn đầu tư tăng từ 369 tỷ đồng lên 464 tỷ đồng.
CMP lý giải, một số nguyên nhân khách quan trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và quá trình thi công đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, như vướng mặt bằng thi công, ảnh hưởng thời tiết, nguồn cung cấp vật liệu đá thi công khan hiếm, vị trí vũng quay tàu giai đoạn 1 được điều chỉnh đến vị trí vũng quay tàu của giai đoạn hoàn thiện làm tăng khối lượng nạo vét, dẫn đến thiếu chỗ đổ chất nạo vét. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến tiến độ bị kéo dài.
Ngoài ra, các hạng mục công trình xây dựng trong giai đoạn hoàn thiện đang trong thời gian cố kết, chờ ổn định nền mới xây dựng nên đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Về tình hình kinh doanh tại CMP, năm 2023, hàng hóa qua Cảng Chân Mây tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn không đạt kế hoạch 4,5 triệu tấn đề ra. Với kết quả đó, công ty thu về 229,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các dịch vụ đạt 227,4 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm qua, doanh nghiệp lỗ gần 7,4 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này đã khả quan hơn so với việc lỗ gần 9,4 tỷ đồng trong năm 2022.
Giải trình về vấn đề này, CMP cho biết nguyên nhân chính của việc giảm lỗ là do doanh thu trong năm 2023 của doanh nghiệp tăng gần 25% so với năm trước. Bên cạnh đó, mặc dù doanh thu tăng nhưng chỉ tiêu giá vốn có tỷ lệ tăng tương đương với doanh thu và công ty cũng không thể được chi phí tài chính là lãi vay từ dự án đầu tư Bến số 2, dẫn đến việc công ty ghi nhận lỗ năm thứ 2 liên tiếp.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản của CMP ghi nhận 671,2 tỷ đồng, giảm gần 4% so với con số hồi đầu năm. Phần lớn trong đó là tài sản cố định, với tỷ trọng lên đến 80%, chủ yếu là giá trị nhà cửa, vật tư kiến trúc.
Về cơ cấu nguồn vốn, CMP có hơn 200 tỷ đồng nợ vay, chiếm tỷ trọng 30%, chủ yếu là vay dài hạn gần 181 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc lợi nhuận giảm sút từ năm 2019 do chịu ảnh hưởng từ chi phí lãi vay cao, đặc biệt thua lỗ trong 2 năm gần đây, đã khiến lợi nhuận chưa phân phối của CMP âm hơn 17 tỷ đồng.
Do đó, tại ĐHĐCĐ năm 2024 diễn ra vào ngày 11/4 sắp tới, CMP sẽ không thực hiện phân phối lợi nhuận và chia cổ tức năm 2023.
Thu Thảo