Hãy là người đầu tiên thích bài này
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép

Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.

Sau giai đoạn khó khăn, có thể thấy giai đoạn chuyển mình của ngành thép đang diễn ra với kỳ vọng Luật Đất Đai và Luật Kinh doanh Bất động sản mới đã được thông qua giúp tháo gỡ vướng mắc pháp lý tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và gia tăng nguồn cung. Tuy nhiên, bước chuyển này vẫn còn không ít khó khăn mà doanh nghiệp thép phải đối diện.

Phân tích sâu hơn về mặt tích cực, nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong 9 tháng năm 2024, sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép tăng khoảng 24,3%, đạt 5,86 triệu tấn, ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Lũy kế tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 3,2 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh với tổng sản lượng đạt 2,6 triệu tấn, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2023, với thị trường xuất khẩu trọng điểm là khu vực Đông Nam Á, EU và Mỹ.

Động lực tăng trưởng kênh xuất khẩu cũng đến từ nhu cầu phục hồi của các thị trường xuất khẩu và chênh lệch về giá thép cán nóng (HRC) ở khu vực EU, Bắc Mỹ cao hơn giá HRC trong nước khoảng 150-250 USD/tấn.

Nhờ những điều kiện thuận lợi này, doanh nghiệp đầu ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đạt doanh thu quý III hơn 34.000 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, tăng 51%.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, doanh thu của tập đoàn đã vượt 105.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140%, tương ứng 92% kế hoạch lợi nhuận năm.


Dây chuyền luyện thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Quý III năm nay, Công ty cổ phần Thép Tấm lá Thống Nhất (mã chứng khoán: TNS) doanh thu thuần đạt 593 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, tương ứng mức tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (mã chứng khoán: TIS) cũng có tổng doanh thu 9 tháng đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 86% kế hoạch năm. Riêng trong quý III, doanh thu ước đạt hơn 5.747 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với quý II/2024.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp có mức tăng trưởng vượt trội vẫn còn một số doanh nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty cổ phần Thép Thủ Đức (VNSteel - mã chứng khoán: TDS) có doanh thu thuần trong quý III đạt 385 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Sau khi khấu trừ chi phí, VNSteel báo lỗ sau thuế 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 500 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức đạt 1.068 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn bán hàng cao và các chi phí tăng nên Thép Thủ Đức lỗ sau thuế 9,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng.

Nhìn nhận về triển vọng ngành thép, BVSC cho rằng, hai yếu tố giúp thị trường thép tăng trưởng trở lại đó là nhu cầu thị trường thép tăng vì tái thiết sau bão Yagi (bão số 3), tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là những đơn vị sản xuất tôn mạ và ống thép; sự phục hồi của thị trường bất động sản – thị trường chiếm vốn chiếm 60% nhu cầu thép.

Bên cạnh đó, xuất khẩu kỳ vọng vẫn tăng trưởng dương trong năm 2025 nhưng sẽ chịu áp lực từ những rào cản thương mại ở một số quốc gia.


Thép cuộn cán nóng HRC tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

BVSC nhận định: Xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025 nhưng mức tăng có thể sẽ thấp hơn so với năm 2024 do hành động áp thuế chống bán phá giá từ một số quốc gia lớn như EU, Canada, Mỹ... đối với thép mạ Việt Nam.

Tuy nhiên, tăng trưởng mảng xuất khẩu sẽ đến từ chênh lệch giữa giá thép HRC ở Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn so với giá thép ở Việt Nam. Mức thuế nhập khẩu thép từ Việt Nam thấp hơn Trung Quốc tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu tôn mạ và tăng trưởng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại thị trường xuất khẩu ASEAN, Ấn Độ… sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.

Cuối tháng 9/2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế, quy mô lớn nhất từ đại dịch COVID-19; trong đó, Chính phủ Trung Quốc cam kết ngăn chặn sự suy giảm của thị trường bất động sản đưa ra các chính sách nới lỏng quy định mua nhà, giúp cải thiện nhu cầu trong lĩnh vực này.

Sau động thái tích cực này, giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu chạm đáy và tăng trưởng lại, đặc biệt là thép. Giá thép xây dựng và giá thép HRC tại Trung Quốc tại ngày 30/9 tăng 4,4% và 16,3% so với mức đầu tháng 9.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu giảm nhanh và giá bán cải thiện, nhu cầu tăng lên được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép có biên lợi nhuận gộp tốt hơn trong quý cuối năm và năm sau. Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy, từ đầu năm tới nay, giá tôn mạ giảm 2% song giá HRC giảm tới 11%.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trở lại, nhưng doanh nghiệp thép cũng đang phải đối diện với những khó khăn hiện hữu.

Sản lượng sản xuất tôn mạ và ống thép của Việt Nam hiện từ 7-8 triệu tấn/năm, trong khi đó tiêu thụ nội địa là 4 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2-3 triệu tấn, nên lượng sản xuất đã dư thừa ít nhất 14%.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc có sự gia tăng đáng kể từ năm 2023 cho đến nay. Tôn mạ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán giá thấp hơn khoảng 30-40% so với tôn mạ do Việt Nam sản xuất.

Với lượng nhập khẩu cao và phá giá từ Trung Quốc nên sản phẩm tôn mạ Việt Nam không thể cạnh tranh với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở một số phân khúc sản phẩm, Việt Nam vẫn thiếu nguồn cung thép mạ xây dựng chất lượng cao hoặc thép mạ cho sản xuất thiết bị điện gia dụng và phải nhập khẩu.

BVSC cho rằng, các doanh nghiệp tôn mạ, ống thép của Việt Nam (trừ Tập đoàn Hòa Phát - mã chứng khoán: HPG) đều không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào là thép HRC mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong khi đó, chi phí nguyên vật liệu này chiếm từ 80-90% tổng chi phí đầu vào và điều này ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp khi giá HRC biến động tăng mạnh trong điều kiện nguồn cung không bị thu hẹp.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long