2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Tuy vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện...
“Nếu đặt cược vào cửa tăng của VN-Index thì đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng là một lựa chọn không thể thiếu”, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Huấn luyện và Hỗ trợ kinh doanh, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), trao đổi tại chuỗi Hội thảo “Đầu tư vào đâu?” do Tạp chí NCĐT và BizUni thực hiện.
Một mức P/E thấp
Trong khi P/E (chỉ số giá trên thu nhập) của HOSE đang là 15 lần, thì P/E trung bình của 18 ngân hàng niêm yết trên HOSE chỉ ở mức 10 lần. Chiếm 39,5% vốn hóa thị trường, mức P/E của thị trường đã được kéo xuống nhiều hơn nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng. “Vì vậy, nếu kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng thì không thể thiếu tăng trưởng của ngành ngân hàng”, vị chuyên gia có 16 năm kinh nghiệm tại HSC phân tích.
Dù vậy, cần lưu ý là mức 15 lần P/E của VNIndex ngang với một số thị trường chính trong khu vực, thậm chí không còn rẻ khi so với các nước châu Á khác, ở mức trung bình cao. Điều thú vị là P/E của nhóm phi tài chính (không kể ngân hàng, chứng khoán) là 22,7 lần, chứng tỏ nhà đầu tư đang mua vào với kỳ vọng thị trường sẽ tươi sáng.
Các công ty chứng khoán dự báo ở kịch bản tích cực, thị trường có thể đạt 1.300-1.600 điểm. Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông Hoàng Phương cho biết thông thường, khi 3 đường P/E của VN-Index, P/E của doanh nghiệp phi tài chính (loại trừ ngành bất động sản) và P/E của của các ngành phi tài chính hội tụ, thị trường sẽ bùng nổ. Nhưng hiện nay, 3 dòng P/E đang phân hóa rất mạnh. “Vì vậy, tôi nghĩ thị trường sẽ điều chỉnh trước khi bước vào pha tăng trưởng tiếp theo”, Giám đốc Huấn luyện và Hỗ trợ kinh doanh của HSC dự đoán. “Tôi nghĩ thị trường có cơ hội để tiếp tục tăng. Để thị trường tăng, nhóm ngành ngân hàng bắt buộc phải tăng giá. Điều này sẽ mất thời gian, có thể sẽ đạt được vào quý I/2025”, ông Hoàng Phương nói thêm.
Nhận định của chuyên gia HSC cũng phù hợp với quan điểm của các đồng nghiệp khác. Ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích của ACBS, cũng đã phân tích trong kịch bản tích cực, thị trường tăng lên 1.400 điểm từ mức hơn 1.280 điểm hiện nay, chiến lược đầu tư được khuyến nghị là lựa chọn những ngành, cổ phiếu lớn có thể hấp thụ dòng tiền tăng lên cùng chiều với mức độ tăng giá của thị trường. “Những công ty có vốn hóa lớn và đang được định giá rẻ, ngân hàng, bất động sản và hàng tiêu dùng”, ông Trung tư vấn.
Tuy nhiên, cần lưu ý kịch bản ít lạc quan hơn của thị trường là VN-Index được dự báo sẽ chỉ dao động ở mức 1.280 điểm như hiện nay. Việc kịch bản nào trở thành hiện thực phụ thuộc vào quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu lãi suất được cắt giảm sớm vào quý II/2024, VN-Index có thể tăng lên 1.400 điểm. Còn nếu trễ hơn, đến quý III lãi suất mới giảm thì thị trường sẽ chuyển động theo kịch bản cơ sở. Trong trường hợp này, Giám đốc Phân tích của ACBS cho rằng những ngành nên đầu tư là công nghệ, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công và dầu khí.
Triển vọng của ngành ngân hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 có sự cải thiện nhẹ so với quý trước nhưng thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024 nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.
“Nên giải ngân ngân hàng tư nhân”, ông Hoàng Phương của HSC tư vấn. Hiện chỉ số P/B (thị giá trên giá trị sổ sách) ngành ngân hàng đang có sự phân hóa, với khối ngân hàng tư nhân có mức P/B 1,3 lần, thấp hơn so với mức bình quân 1,7 lần của ngành và 2,5 lần của khối ngân hàng quốc doanh.
Báo cáo ngành ngân hàng do Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam thực hiện vào tháng 3/2024 cũng thể hiện trạng thái lạc quan về triển vọng của ngành. Đơn vị này khuyến nghị một danh mục gồm cả ngân hàng quốc doanh như Vietcombank (VCB) lẫn nhiều ngân hàng tư nhân như Ngân hàng Á Châu (ACB), Sacombank (STB), Techcombank (TCB), Ngân hàng Quân Đội (MBB), VPBank (VPB). Kỳ vọng tăng giá của các cổ phiếu ngân hàng từ 16-26%.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã đến cuối chu kỳ tăng lãi suất giúp CPI được kiểm soát ở mức 3-3,5% trong năm nay. Theo Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, nền kinh tế sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GDP dự phóng quay trở lại mức 6%. Với mức tăng trưởng GDP này, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế được kỳ vọng sẽ đạt 13-14%. Đơn vị này dự phóng P/B cuối năm 2024 ở mức 1,3 lần. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, định giá của nhóm ngân hàng đã được cải thiện từ mức P/B 1,7 lần, tăng từ mức 1,5 lần của cuối quý IV/2023. Tuy vậy, mức này vẫn thấp hơn mức định giá trung bình 5 năm là 1,8 lần.
Trong ngắn hạn, đà tăng mạnh của cổ phiếu ngân hàng trong thời gian vừa qua có thể thúc đẩy nhiều nhà đầu tư chốt lời. Tuy nhiên, với triển vọng phục hồi lợi nhuận trong năm 2024, vốn chủ sở hữu của ngân hàng theo đó có thể tăng trưởng tương ứng, giúp cho định giá của nhóm ngân hàng tiếp tục hấp dẫn để đầu tư trong dài hạn. “Chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng định giá thấp và phù hợp cho chiến lược đầu tư dài hạn”, báo cáo của Shinhan kết luận.
Bài gốc: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/tin-vn-index-chon-ngan-hang-3358075/
Bình luận (24)