Chuyên gia đưa ra ý tưởng về việc lập sàn giao dịch cho những doanh nghiệp nhiều tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện niêm yết để thu hút vốn đầu tư.
Tái định hình nền tảng thu hút FDI
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều áp lực mới từ căng thẳng thương mại giữa các cường quốc, chính sách thuế đối ứng, đến làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng và biến động dòng vốn đầu tư, Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng để tái định hình nền tảng phát triển theo hướng bền vững hơn.
Nhìn lại xu hướng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua, bà Phạm Thuỳ Dương, Phó Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích, Dragon Capital, nhận định Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu với mô hình “Trung Quốc +1”.
Từ một điểm đến sản xuất hàng dệt may sử dụng nhiều lao động, Việt Nam đã vươn lên trở thành trung tâm FDI trong lĩnh vực thiết bị điện tử và máy móc. Tuy nhiên, bà Dương cũng cảnh báo rằng các chính sách thuế quan mới với mức thuế có thể lên tới 46% sẽ sớm tạo ra những tác động đáng kể.
“Dù mức thuế 46% chưa thành hiện thực, mục tiêu của Việt Nam là hướng đến khu vực công nghệ cao, nơi đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ cao hơn. Chúng ta vẫn đang sở hữu lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, nhưng lợi thế này sẽ dần thay đổi,” bà Dương nhấn mạnh. Theo bà, Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn lao động có hàm lượng chất xám cao để đón đầu làn sóng FDI công nghệ cao trong tương lai.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, cũng cho rằng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không thể chỉ dựa vào chi phí lao động thấp. “Nguồn nhân lực Việt Nam vẫn dồi dào và chi phí vẫn thấp, nhưng các quốc gia như Bangladesh cũng có lợi thế tương tự. Điều mà nhà đầu tư tìm kiếm là sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư thuận lợi,” ông nói.
Theo ông Lim, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hiệu quả quản trị, thể hiện qua việc tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập các tỉnh thành. Những cải cách này được xem là động lực quan trọng thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài.
Về chính sách tài khóa và ưu đãi thuế, ông Lim đánh giá Việt Nam đã có nhiều hành lang hỗ trợ, trong đó có nguồn quỹ đất công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư ngoại. “Việt Nam đã trải qua một hành trình phát triển dài và vẫn còn nhiều dư địa. Việc đầu tư hạ tầng đang diễn ra mạnh mẽ. Chính phủ không cần chờ một cuộc khủng hoảng toàn cầu để nhìn lại và hành động, họ đã chủ động từ trước,” ông nhận định.
Ông Lim cũng cho rằng Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên như quy mô thị trường lớn, tầng lớp trung lưu đang gia tăng, không chỉ là lực lượng tiêu dùng mà còn là lực lượng sản xuất, cùng hệ thống cảng biển dài, thuận lợi cho thương mại.
Dưới góc nhìn của một định chế tài chính nước ngoài, ông Lim cho rằng các kế hoạch đầu tư không được quyết định trong thời gian ngắn, mà cần thời gian thu thập dữ liệu và đánh giá toàn diện. Với nền tảng vĩ mô ổn định, UOB không những không trì hoãn đầu tư mà còn quyết định tăng gấp đôi quy mô hiện diện tại Việt Nam, bao gồm việc xây dựng trụ sở mới và tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng.
Bàn về tác động của chính sách thuế quan từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Lim cho rằng những biện pháp này có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu trong ngắn hạn, song lại mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong trung và dài hạn.
“Thâm hụt thương mại không phải là vấn đề có thể giải quyết bằng chính sách thương mại. Nó phản ánh sự khác biệt về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia. Mỹ là quốc gia phát triển, không thể sản xuất mọi thứ, ví dụ như iPhone, trong khi các nước có lợi thế về nhân công lại có thể hiện thực hóa điều đó. Thuế nhập khẩu chỉ có thể tạo ra những điều chỉnh mang tính tạm thời. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực dẫn dắt toàn cầu hóa thương mại và duy trì ảnh hưởng đáng kể,” ông Lim nói.
“Không phải chuỗi cung ứng đang dịch chuyển hoàn toàn, vì nếu thế, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu chi phí rất cao,” ông kết luận.
Thị trường chứng khoán: Nút chặn cần tháo để hút dòng vốn FII
Mở rộng từ góc độ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp (FII), ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC, nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng thu hút vốn quốc tế. Một nguyên nhân quan trọng, theo ông, là sự thiếu vắng những thương vụ IPO đủ hấp dẫn và đúng nghĩa để dẫn dắt dòng vốn lớn.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố toàn cầu như chính trị, thương mại, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy có dòng vốn đầu tư riêng lẻ vào các công ty Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động M&A vẫn đang thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư ngoại”, ông Johan cho biết. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, môi trường đầu tư được đánh giá là thuận lợi hơn nhờ mặt bằng giá hấp dẫn, chi phí đầu tư giảm và triển vọng phục hồi tích cực.
Để đón dòng vốn FII, ông Johan cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa dòng tiền, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán bớt vốn và cải thiện cơ chế phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. “Chúng ta cần tạo ra một thị trường chứng khoán minh bạch, sâu rộng và có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau”, ông nói.
Một điểm nghẽn lớn, theo ông Johan, là quy trình IPO và niêm yết chưa được kết nối chặt chẽ. “IPO phải gắn liền với niêm yết để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Ngoài ra, có thể xem xét mở một sân chơi riêng cho những công ty chưa có lãi nhưng có tiềm năng tăng trưởng. Đơn cử như Uber, Amazon ở Mỹ cũng được lên sàn dù nhiều năm chưa có lợi nhuận. Việc tạo ra sân chơi cho các công ty này cũng góp phần gia tăng hàng hoá trên thị trường”, ông đề xuất.
Theo ông Johan, ý tưởng về một sàn giao dịch cho những doanh nghiệp nhiều tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện niêm yết đang được cân nhắc khi Việt Nam trong quá trình xây dựng cơ sở pháp lý cho trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.
Bình luận (19)





