Là những DN có thương hiệu lâu đời và có vị thế nhất định trên thị trường nhưng cả Everpia, Sợi Thế Kỷ và Thép Tiến Lên đều đang phải vật lộn với "cơn bão" chi phí, dẫn tới làm ăn thua lỗ. Đây là nguyên nhân chính khiến loạt EVE, STK, TLH bị cắt margin.
Trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 8, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã cập nhật danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ với 89 mã cổ phiếu. Trong đó, ba cổ phiếu mới được bổ sung gồm có EVE của Công ty CP Everpia, STK của Công ty CP Sợi Thế Kỷ và TLH của Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên.
Cả ba mã này cùng bị cắt margin bởi một lý do: lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 là số âm.
EVE, STK và TLH bị cắt margin bởi cùng một lý do
“Oằn mình” trong cơn “bão chi phí”
Nhìn sâu vào báo cáo tài chính, nguyên nhân khiến Everpia, Sợi Thế Kỷ và Thép Tiến Lên thua lỗ cũng có nhiều điểm tương đồng.Về phía Everpia, luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 8,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 10 tỷ đồng. Đáng nói, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp ghi nhận lỗ cho hoạt động kinh doanh 6 tháng.
Trong văn bản giải trình số liệu báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, Everpia cho biết, không nằm ngoài khó khăn chung của nền kinh tế và ngành dệt may, doanh thu 6 tháng đầu năm đã giảm 4% so với cùng kỳ. Mặc dù các cải tổ về chi phí sản xuất của xưởng đã giúp giá vốn hàng bán thu hẹp 6% nhưng dưới sức ép lãi suất, tỷ giá mua đồng USD cao cùng giá đầu vào của nguyên vật liệu nhập khẩu tăng mạnh, cộng thêm hoạt động kém hiệu quả của công ty con tại Hàn Quốc, doanh nghiệp không thể làm ăn có lãi.
Đáng chú ý, trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét, khoản lỗ của Everpia còn tăng thêm 10% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đã bỏ sót một bước đánh giá chênh lệch tỷ giá khi hợp nhất số liệu của công ty con ở nước ngoài.
Everpia lần đầu đầu ghi nhận lỗ cho hoạt động kinh doanh 6 tháng
Còn trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2024 của Sợi Thế Kỷ, ông lớn ngành dệt may ghi nhận lỗ sau thuế hơn 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 39 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho hay, doanh số bán hàng thấp hơn và chi phí ngừng máy nhiều hơn đã khiến lợi nhuận gộp suy giảm.
Tương tự Everpia, thu nhập tài chính giảm, chênh lệch tỷ giá tăng cũng là một trong số những nguyên nhân khiến Sợi Thế Kỷ thua lỗ.
Doanh số bán hàng thấp, chi phí ngừng máy tăng khiến lợi nhuận gộp của Sợi Thế Kỷ suy giảm
Về phía Thép Tiến Lên, mặc dù doanh thu thuần 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần tăng 9% nhưng doanh nghiệp lỗ sau thuế 154 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 11 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tương ứng âm 149 tỷ đồng.
Bên cạnh việc công ty liên kết, liên doanh thua lỗ, chi phí bán hàng và quản lý tăng cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh sau cùng của Thép Tiến Lên.
Thép Tiến Lên đang tăng cường nâng cao năng lực quản lý
Chờ “nốt trầm” bắt nhịp “nốt cao”
Phần giải trình về kết quả thua lỗ khiến cổ phiếu bị cắt margin của ba doanh nghiệp không chỉ phản ánh khó khăn của ngành sản xuất mà còn thể hiện phần nào những cuộc cải tổ mà họ đang thực hiện. Trong bối cảnh kinh doanh đầy thách thức khi sức mua suy giảm và cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, ngay cả những thương hiệu lâu đời và có vị thế nhất định trên thị trường như Everpia, Sợi Thế Kỷ và Thép Tiến Lên cũng không thể tránh khỏi những “nốt trầm”.
Nói về Everpia, trước hết, đây là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam và cũng là doanh nghiệp FDI tiên phong niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ khi xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1992, Everpia đã xây dựng và phát triển một loạt thương hiệu chăn ga gối đệm nổi tiếng như Everon, Artemis, K-Bedding (Việt Nam và Hoa Kỳ), King Koil, Everon Home Decor, Everon Basic. Trong số đó, thương hiệu Everon đã tạo ra được dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng Việt và là một trong số ít thương hiệu chăn ga gối đệm đạt mức độ nhận biết cao nhất (top-of-mind) tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, Everon (chiếm khoảng 75% doanh thu của Everpia) đang dần mất đi vị thế dẫn đầu và đứng trước yêu cầu tăng cường kết nối với tập khách hàng trẻ tuổi. Chưa kể, quy mô thị trường ngành hàng bông tấm của doanh nghiệp này cũng bị thu hẹp đáng kể.
Do đó, kể từ năm 2022 đến nay, Everpia đang từng bước tái cấu trúc sản phẩm và định vị thương hiệu, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất.
Nhà máy Giang Điền được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi cho Everpia
Đặc biệt, năm 2022, Everpia đã khởi công xây dựng nhà máy Giang Điền quy mô 2,9ha với tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD nhằm tăng công suất sản xuất, năng lực dự trữ kho bãi, tối ưu chi phí hoạt động và phục vụ cho chiến lược “hồi sinh” thương hiệu Everon.
Đến tháng 8/2023, nhà máy này chính thức đi vào hoạt động với mục tiêu nâng công suất sản xuất của Everpia tăng khoảng 30%. Tuy nhiên, cũng từ đây, doanh thu của Everpia dần trở nên khiêm tốn, còn lợi nhuận thì lao dốc. Việc di dời và đầu tư lắp đặt thiết bị mới cho nhà máy Giang Điền đã làm tăng chi phí và khiến hoạt động sản xuất chưa đạt hiệu quả tối đa, gián tiếp ảnh hưởng đến doanh số. Mặc dù ban lãnh đạo doanh nghiệp đã dự báo trước những khó khăn này, nhưng việc ghi nhận thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay vẫn là một kết quả không ai mong đợi.
Theo ban lãnh đạo Everpia, áp lực từ các khoản vay để xây dựng nhà máy mới ở Giang Điền đã khiến chi phí tài chính tăng cao, đồng thời việc nhà máy đi vào hoạt động cũng đẩy chi phí quản lý lên mức cao hơn. Rõ ràng, dù đã có những bước đi mạnh mẽ để cải tổ, Everpia vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa để ổn định tình hình tài chính và duy trì vị thế của mình trên thị trường.
Tương tự là câu chuyện của Sợi Thế Kỷ. Thành lập từ năm 2000, đây là doanh nghiệp dệt may dẫn đầu lĩnh vực sản xuất sợi tơ dài – nguồn nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất các mặt hàng thể thao cao cấp. Năm 2016, sau một thời gian dài mở rộng quy mô sản xuất và vươn lên thành doanh nghiệp có công suất thiết kế đứng thứ hai ngành sợi, Sợi Thế Kỷ bắt đầu chuyển hướng và mở rộng kinh doanh sản xuất các sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.
Theo đó, Sợi Thế Kỷ đã trở thành doanh nghiệp thứ hai tại Việt Nam có năng lực sản xuất sợi tái chế, chỉ sau Hưng Nghiệp Formosa và cạnh tranh trực diện với “đại gia” này trong việc cung cấp sản phẩm tới các tên tuổi đình đám như Nike, Adidas, H&M, Decathlon, Puma, Uniqlo, Shenzhfou, Schori,… Hướng đi này đã giúp Sợi Thế Kỷ đón đầu xu hướng tiêu dùng, tận dụng tốt những cơ hội mà các hiệp định tự do thương mại CPTPP, EVFTA mang lại và đứng vững giữa “vòng xoáy” Covid-19.
Tuy nhiên, bước sang năm 2023, doanh số và giá bán bình quân giảm đã khiến lợi nhuận sau thuế của Sợi Thế Kỷ chìm xuống đáy 7 năm. Đáng chú ý, kết quả này còn chịu nhiều ảnh hưởng từ việc gia tăng chi phí tài chính do chi phí lãi vay tăng cao.
Đến quý II năm nay, chi phí tài chính đã chính thức khiến Sợi Thế Kỷ “lao đao”. Lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh, khiến chi phí tài chính “phình to” gấp 5,2 lần so với cùng kỳ. Kết quả, Sợi Thế Kỷ lỗ kỷ lục gần 56 tỷ đồng trong quý II, “xoá sổ” toàn bộ khoản lãi ít ỏi của quý I.
Nhà máy Unitex là "ngôi sao hy vọng" của Sợi Thế Kỷ
Đáng nói, đây cũng là giai đoạn Sợi Thế Kỷ đầu tư dự án nhà máy mới Unitex với công suất quy mô 60.000 tấn sợi/năm (giai đoạn 1 là 34.000 tấn/năm; giai đoạn 2 là 24.000 tấn/năm). Cần biết, để thực hiện dự án này, doanh nghiệp đã vay ngân hàng nước ngoài 52,5 triệu USD, tương đương gần 1.233 tỷ đồng. Đây là khoản vay lớn nhất của Sợi Thế Kỷ từ trước đến nay. Theo phân tích của Vietcap, sự gia tăng của tỷ giá đã ảnh hưởng nặng nề đến các khoản vay bằng USD mà Sợi Thế Kỷ sử dụng để tài trợ cho nhà máy Unitex, dẫn đến mức lỗ kỷ lục nói trên.
Hiện tại, Sợi Thế Kỷ đang gấp rút hoàn thiện dự án nhà máy Unitex, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong tháng 9 năm nay. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này có thể có thể nâng công suất lên gấp đôi các nhà máy hiện hữu (Củ Chi và Trảng Bàng). Đây được xem là “ngôi sao hy vọng” để Sợi Thế Kỷ kết thúc những “nốt trầm” và bước vào nhịp “thăng hoa”.
Cuối cùng, về Thép Tiến Lên, đây là một trong những thương hiệu thép lâu năm tại Việt Nam. Nổi lên như một trong những đơn vị hàng đầu về sản xuất và kinh doanh thép hình (U, I, V) các loại, đúng như tên gọi của mình, kể từ năm 2006 đến năm 2018, doanh thu của Thép Lên hầu như chỉ tăng mà hiếm khi thấy giảm. Doanh nghiệp này cũng để tại tiếng vang với những màn phục hồi ấn tượng.
Chẳng hạn như năm 2016, Thép Tiến Lên lãi kỷ lục 469 tỷ đồng, cải thiện hoàn toàn so với khoản lỗ 173 tỷ đồng ghi nhận năm 2015 – thời điểm “mây đen” bao phủ toàn ngành thép. Hay như năm 2021, doanh nghiệp đạt được mức lãi cao thứ hai trong lịch sử với 456 tỷ đồng sau khi “nếm trái đắng” trong giai đoạn đại dịch Covid 2019 – 2020.
Tuy nhiên, đến năm 2023, khi “bóng đen” trở lại, Thép Tiến Lên đã phải “lùi bước” vì giá thép suy giảm. Trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp khó, doanh nghiệp này còn phải “gồng lỗ” chứng khoán. Thép Tiến Lên cũng không thể triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động và thực hiện các dự án bất động sản.
Thép Tiến Lên tăng cường tích trữ hàng tồn kho để "chờ thời cơ"
Mặt khác, như giải trình của Thép Tiến Lên, doanh nghiệp này đang mạnh tay đầu tư nâng cao năng lực quản trị, thông qua đào tạo đội ngũ lãnh đạo và nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý. Những động thái này không chỉ giúp công ty tối ưu hóa quy trình vận hành và tăng cườn khả năng ứng phó trong bối cảnh đầy biến động của ngành thép.
Everpia, Sợi Thế Kỷ, và Thép Tiến Lên đang tạm thời “lùi bước” trước những thách thức hiện tại. Tuy nhiên, đây có thể là bước đệm để họ củng cố vị thế và tiến xa hơn trong tương lai.
Thái Hà