Hãy là người đầu tiên thích bài này
Chuyện gì đang xảy ra với chứng khoán Việt Nam ?!

Có hay không việc thị trường chứng khoán đang bị thao túng, nhà đầu tư chán nản rời bỏ thị trường để nhà tạo lập gom cổ phiếu giá thấp?

Ngày 18-11, thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục lao dốc, VN-Index có thời điểm về sát vùng 1.200 điểm khiến không ít nhà đầu tư lo lắng, dẫn đến bán tháo. Dù thoát hiểm vào cuối phiên, VN-Index vẫn đóng cửa với phiên giảm thứ 3 liên tiếp, lùi sâu về 1.217,12 điểm.

Toát mồ hôi, chán nản

Khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng với giá trị hơn 1.400 tỉ đồng. Nếu tính trong 10 phiên gần nhất, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 8.200 tỉ đồng. Các chuyên gia cho biết chưa bao giờ lịch sử TTCK Việt Nam ghi nhận đà bán ròng của khối ngoại lớn đến vậy - hơn 80.000 tỉ đồng tính từ đầu năm.

Anh Khánh Minh (ngụ quận Bình Tân, TP HCM), nhà đầu tư đã có gần 4 năm tham gia TTCK, cho biết mỗi ngày thấy khối ngoại giao dịch bán ròng cổ phiếu khiến anh cũng "chùn tay" khi đặt lệnh. "Tôi không lướt sóng cổ phiếu mà chủ yếu mua để nắm giữ cổ phiếu, tính bằng 6 tháng hoặc 1 năm, nên thường quan sát động thái của khối ngoại xem họ giao dịch mua hay bán, ưu tiên những nhóm cổ phiếu nào. Tuy nhiên, gần đây, ngay cả khi thị trường về vùng 1.220 - 1.240 điểm, về mức định giá P/E hấp dẫn của nhiều cổ phiếu, khối ngoại vẫn bán ròng khiến tôi lo lắng, ngại mua thêm, mà chỉ đứng ngoài quan sát" - anh Minh nói.

 

Tâm lý của nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng tương tự, khi thấy khối ngoại liên tục bán ròng bất chấp thông tin kinh tế vĩ mô tích cực, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết ở nhiều nhóm ngành khả quan. Nhiều người còn đặt nghi vấn phải chăng thị trường Việt Nam vẫn bị thao túng khiến không chỉ nhà đầu tư trong nước mà ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng chán nản "bỏ đi"? Bởi lẽ, TTCK Việt Nam thời gian qua không theo bất cứ quy luật kinh tế nào, ngay cả phân tích kỹ thuật cũng không chính xác. Giám đốc cấp cao một công ty chứng khoán nước ngoài nói rằng theo kinh nghiệm của ông, thị trường đang có dấu hiệu đó.

TTCK được xem là "hàn thử biểu" của nền kinh tế. Tuy nhiên, các định chế tài chính nước ngoài đều đánh giá cao sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và triển vọng trong thời gian tới nhưng chứng khoán Việt Nam lại liên tục đi ngược - VN-Index nhiều lần nỗ lực nhưng cuối cùng vẫn quay về 1.200 điểm suốt 20 năm của thị trường. Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered - dự báo quý IV/2024, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,9%. Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.

Có nên dịch chuyển?

Trong bối cảnh TTCK nhiều lần nỗ lực vượt qua mốc 1.300 điểm nhưng đều thất bại, thậm chí còn lùi sát về mốc 1.200 điểm, gây thua lỗ và chán nản cho các nhà đầu tư, đã có ý kiến cho rằng có nên dịch chuyển tiền từ chứng khoán sang vàng? Bởi giá vàng đã chiết khấu khá sâu khi rơi một mạch từ đỉnh hơn 2.790 USD/ounce còn dưới 2.600 USD/ounce.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn Công ty Chứng khoán Maybank, cho rằng với bối cảnh thị trường hiện nay, dòng tiền có thể dịch chuyển từ kênh chứng khoán sang vàng để đa dạng hóa danh mục. Nhưng lượng tiền đó không nhiều, vì mua vàng không dễ, nhất là khi vàng đang ở mức đỉnh, rủi ro lớn. "Để lãi 10% từ đầu tư vàng tại Việt Nam không phải dễ bởi chênh lệch mua - bán lớn, đồng nghĩa với việc giá vàng chiều mua vào phải tăng khoảng 15%. Chưa kể, so sánh với các kênh đầu tư khác, vàng không đem lại lợi suất trong quá trình chờ tăng giá như các kênh đầu tư khác. Khi đầu tư cổ phiếu, bất động sản, nhà đầu tư vẫn thu được khoản cổ tức hay tiền cho thuê đất, nhà trong lúc chờ giá tăng. Còn với vàng thì hoàn toàn không thể, thậm chí nhà đầu tư còn mất thêm tiền nếu đem gửi ngân hàng" - ông Khánh phân tích.

Trở lại với TTCK, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, nói thị trường đang bị tác động tiêu cực trong ngắn hạn còn đến từ việc tỉ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỉ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5%... Những yếu tố này đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư. Thị trường sẽ khó có sự bứt phá trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và chưa có dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỉ giá hạ nhiệt một cách bền vững.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, phân tích hiện giá cổ phiếu đã vào vùng quá bán, nhiều mặt bằng cổ phiếu đã về mức hợp lý để mua nắm giữ nên nếu bán tháo lúc này là không hợp lý. Nếu nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, có thể canh lúc thị trường giảm điểm sâu và mạnh thì mua vào cổ phiếu tốt hoặc cơ cấu danh mục phù hợp. Bởi lẽ, khi thị trường phục hồi, cổ phiếu tốt sẽ tăng nhanh hơn. "Bản chất TTCK là nhạy cảm với các thể loại thông tin và đôi khi bị ảnh hưởng bởi một số quyết định của nhà đầu tư lớn. Nếu nhìn từ nay tới cuối năm, triển vọng VN-Index vẫn tích cực như báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2024 khả quan; Việt Nam sẽ chính thức được nâng hạng chứng khoán vào năm 2025, cụ thể, từ quý I/2025, góp phần thu hút dòng vốn ngoại trở lại. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục lộ trình giảm lãi suất sẽ giảm áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ" - ông Phương nói. 

Bao giờ khối ngoại giảm bán ròng?

Một trong những giải pháp tạo thuận lợi cho khối ngoại là Thông tư 68/2024/TT-BTC, trong đó có quy định nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu đủ tiền (Non-prefunding). Quy định này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn. Ông Mai Hoàng Khánh Minh, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức - môi giới khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI, cho biết công ty đã chính thức triển khai áp dụng ngay sau khi Thông tư 68 có hiệu lực. Hiện có rất nhiều khách hàng tổ chức nước ngoài đã ký thỏa thuận sử dụng dịch vụ này. "Non-prefunding là một phương thức giao dịch rất phổ biến trên các TTCK phát triển. Việc Việt Nam chính thức đưa quy định này vào vận hành sẽ tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khối ngoại tham gia tích cực hơn vào hoạt động đầu tư và giao dịch tại Việt Nam trên cơ sở các chuẩn mực ngày càng mang tính quốc tế cao hơn" - ông Minh nói.

 Tác giả: Thái Phương-Link gốc

Bình luận (131)

bà chủ tịch UBCK từ chức đi lên ghế 2 năm rồi mà để cái thị trường thế này. cấp phép in giấy vô tội vạ, KRX hứa lên hứa xuống, ko làm được thì nghỉ đi mặt dày vừa thôi
13:58
 4
14:25
 1
Nó bán hơn 100k tỷ rồi con lợn. Làm ăn bịp quá mà
14:28
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long