Thị trường chứng khoán châu Á kết thúc một tuần đầy biến động với mức tăng nhẹ vào phiên 15/11, được hỗ trợ bởi dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc cho thấy doanh thu bán lẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng vượt dự báo trong tháng 10/2024, một dấu hiệu tích cực về chi tiêu tiêu dùng của nước này, mặc dù một số chỉ số khác sụt giảm.
Màn hình hiển thị chỉ số chứng khoán Hang Seng tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong khi đó, đồng USD tiếp tục tăng mạnh, tiến gần mức cao nhất trong một năm, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu cứng rắn về việc giữ lãi suất ở mức cao, khiến lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Chính phủ Mỹ tăng cao.
Cụ thể, chiều phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoài Nhật Bản) tăng 0,4%, nhưng vẫn giảm 4,1% trong tuần qua, mức giảm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 6/2023.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 14/11 đã tuyên bố rằng không cần phải vội cắt giảm lãi suất khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng, thị trường việc làm vững chắc và lạm phát vẫn ở trên mức mục tiêu 2%. Điều này đã làm giảm bớt kỳ vọng về việc ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng tới.
Khả năng Fed bớt ôn hòa hơn trong chính sách tiền tệ đã nâng giá trị đồng USD so với tất cả các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng euro, do kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách tích cực hơn ở châu Âu đã làm suy yếu thêm đồng tiền chung này, vốn đã giao dịch ở mức thấp nhất trong một năm.
Phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dứt chuỗi ba phiên giảm điểm liên tiếp, tăng 107,21 điểm (0,28%), lên 38.642,91 điểm. Đà tăng này chủ yếu nhờ xu hướng săn tìm cổ phiếu giá hời của giới đầu tư và đồng yen yếu, tạo lợi thế cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Đồng USD leo lên mức cao nhất trong 4 tháng, đạt trên 156 yen/USD do suy đoán Fed sẽ không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh dữ liệu kinh tế vững chắc. Sau đó, đồng bạc xanh đã giảm xuống dưới 156 yen/USD, khi các nhà giao dịch chờ đợi nhận định từ Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda vào ngày 18/11 tới để tìm manh mối về lộ trình lãi suất tiếp theo của ngân hàng này.
Tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi đóng cửa phiên 15/11 gần như không thay đổi so với phiên trước đó, khi hoạt động săn lùng cổ phiếu giá hời của các nhà đầu tư giảm dần trong bối cảnh những bất ổn kéo dài, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất của Mỹ có thể chậm lại.
Cuối phiên, chỉ số Kospi giảm 2 điểm, tương đương 0,08%, đóng cửa ở mức 2.416,86 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số này giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 2.400 điểm.
Tại Trung Quốc, lo ngại về khả năng Fed không hạ lãi suất nhanh chóng đã đẩy lùi tâm lý lạc quan trước những số liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc. Do vậy, hai thị trường chứng khoán chủ chốt của nước này là Thượng Hải và Hong Kong đều đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ. Khép phiên, chỉ số Hang Seng giảm 0,1%, xuống 19.426,34 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite mất 1,5%, xuống 3.330,73 điểm.
Tại Việt Nam, khép lại phiên này, chỉ số VN-Index giảm 13,32 điểm, hay 1,08%, xuống 1.218,57 điểm. Còn chỉ số HNX-Index giảm 2,28 điểm, hay 1,02%, xuống 221,53 điểm.
Minh Trang (Tổng hợp) (TTXVN)
Bình luận (3)