Nhu cầu tiêu thụ suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp xi măng trải qua năm 2023 với nhiều kết quả ảm đạm. Năm 2024, triển vọng của ngành xi măng vẫn chưa rõ ràng khi cung vượt xa cầu và thị trường xuất khẩu được dự báo còn nhiều khó khăn.
Nguồn: Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp; đơn vị tính: tỷ đồng
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đánh giá, 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi sản lượng tiêu thụ, xuất khẩu xi măng và clinker suy giảm; chi phí đầu vào tăng cao; nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng hoặc dừng lò. Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất đạt 30.169 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch và giảm hơn 23% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ âm 502 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt khoảng 1.476 tỷ đồng.
Sự khó khăn của VICEM được thể hiện rõ ràng hơn qua kết quả kinh doanh của các công ty con.
Mới đây, Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân công bố lỗ 29,5 tỷ đồng trong quý IV/2023, nâng tổng số lỗ cả năm lên 64 tỷ đồng. Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn báo lỗ 32 tỷ đồng quý IV/2023 và lỗ 96,2 tỷ đồng cả năm 2023. Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai lỗ 5,3 tỷ đồng quý cuối năm và 31 tỷ đồng cả năm 2023.
Tại Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên, sau khi lỗ 10,2 tỷ đồng trong quý III/2023 và 75,7 tỷ đồng quý đầu I/2023, doanh nghiệp này báo lãi 55,4 tỷ đồng trong quý IV/2023. Lũy kế cả năm 2023, Xi măng Vicem Hà Tiên ghi nhận 7.049 tỷ đồng doanh thu và 24,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt giảm 21% và 92% so với năm 2022.
Trong khi đó, Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI ghi nhận 659 tỷ đồng doanh thu và 60,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, lần lượt giảm 19% và 14,4% so với năm 2022.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sản lượng sản xuất xi măng năm 2023 dự kiến đạt 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022; tiêu thụ đạt 89 triệu tấn, giảm khoảng 6%. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa 56,8 triệu tấn, giảm khoảng 10%; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 32,6 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,23 tỷ USD.
Đánh giá chung về khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng nhận định do tình hình thị trường bất động sản ảm đạm. Nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất. Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.
“Nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa đến 60 triệu tấn xi măng năm 2023, trước đó năm 2022 đạt 62,68 triệu tấn. Điều này cho thấy, nhu cầu nội địa khó có đột biến. Các doanh nghiệp phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc như Evergrande, Country Garden đang rất khó khăn vì tồn dư nhiều căn hộ xây xong chưa bán được, điều đó thể hiện dư cung bất động sản Trung Quốc rất lớn. Một doanh nghiệp xi măng Trung Quốc chia sẻ rằng, Chính phủ nước này cũng chỉ định chỉ cho chạy một nửa thời gian tổng công suất các nhà máy lớn”, ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Tân Quang đánh giá về triển vọng ngành xi măng năm 2024.
Triển vọng ngành xi măng năm 2024 cũng phần nào được thể hiện qua kế hoạch kinh doanh của VICEM. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng, clinker dự kiến đạt 24,31 triệu tấn, tăng 7,7% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 18,57 triệu tấn, tăng 5,3%; tổng doanh thu gần 30.000 tỷ đồng, giảm 1,2% so với thực hiện năm 2023.
Lãnh đạo VICEM cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024, thậm chí doanh thu còn giảm so với thực hiện năm 2023 là do rất khó đoán định về tình hình biến động giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào và nhu cầu xi măng chưa có dấu hiệu phục hồi.