Hãy là người đầu tiên thích bài này
Chủ tịch VIB: Đang tìm cổ đông chiến lược phù hợp, đảm bảo giá tốt

Ngân hàng VIB đề ra chỉ tiêu kinh doanh tăng trên 20% cho tín dụng, huy động và lợi nhuận. Riêng quý I, lợi nhuận đạt 20 – 22% kế hoạch, tín dụng tăng 3%.

Quang cảnh đại hội. Nguồn: VIB

Theo công bố cơ cấu cổ đông mới nhất, cổ đông ngoại lâu năm của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã: VIB) là Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã không còn sở hữu cổ phiếu.

CBA là cổ đông chiến lược tham gia vào VIB từ 2010 và có thời điểm nắm giữ tới 20% vốn ngân hàng. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 27/3, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB bày tỏ CBA là đối tác lớn, theo đuổi và thương thảo trong hơn 10 năm mới chính thức đầu tư vào VIB. Đối tác chiến lược này rót vốn vào VIB rất đúng lúc, đúng thời điểm và hỗ trợ ngân hàng rất nhiều, đối tác cũng hoàn toàn tin tưởng vào đường hướng phát triển mà HĐQT vạch ra. Song, cách đây 5 - 6 năm, CBA quý định đóng các khoản đầu tư ở nhiều nơi, ngay cả ở Úc, VIB là khoản đầu tư đóng cuối cùng. Đối tác đầu tư vào VIB khoảng 175 triệu USD nhưng thu về đến 400 – 500 triệu USD.

CBA thoái vốn mở ra room ngoại lớn cho VIB. Ông Vỹ đánh giá hệ số K của VIB rất tốt, tự thân ngân hàng vẫn đảm bảo mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, HĐQT nhận thấy cần huy động thêm để tạo ra đột phá mới. “HĐQT đang trao đổi với các ngân hàng, quỹ đầu tư để tư vấn, tìm kiếm một số đối tác thích hợp cho VIB, đảm bảo có giá tốt và cộng sinh sức mạnh từ đối tác, ngoài tài chính còn hệ sinh thái, công nghệ…”, Chủ tịch VIB nói.


Ông Đặng Khắc Vỹ chia sẻ tại đại hội. Nguồn: VIB

Chia thưởng tổng tỷ lệ 21%

Báo cáo tại đại hội, lãnh đạo VIB cho biết năm 2024, ngân hàng ghi nhận tổng tài sản tăng 20% lên 493.158 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 22% đạt 324.611 tỷ đồng và huy động tăng 15% lên 277.571 tỷ đồng. Trong năm 2025, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tiếp 22% lên 600.350 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 22%, huy động vốn tăng 26%.

Ở mảng cho vay, năm 2024, ngân hàng đã tung chiến dịch hấp dẫn như gói 30.000 tỷ cho vay căn hộ, nhà phố, chương trình cho vay ôtô, cho vay kinh doanh. Ông Vỹ tiết lộ trong vài tháng tới, khối ngân hàng bán lẻ sẽ đưa ra thị trường app cho vay có tính năng ưu việt về cho vay mua nhà, mua ôtô, cho vay kinh doanh và giấy tờ có giá…

Ở mảng huy động, ngày 17/2, VIB cho ra mắt tài khoản siêu lợi suất với công thức 1-1-1 (1 ngày cũng sinh lời đến 4,3%/năm, 1 chạm để bắt đầu sinh lời, 1 bước rút tiền linh hoạt) với mục tiêu “đánh thức dòng tiền nhàn rỗi” cho khách hàng. Chỉ trong 2 tuần ra mắt, ngân hàng đã ghi nhận 50.000 khách hàng kích hoạt tài khoản này.

Đối với việc phát triển thương hiệu, năm 2024, ngân hàng đầu tư mạnh vào các hoạt động truyền thông và tiếp thị, trong đó có chương trình Anh trai “Say Hi”. Những hoạt động này góp phần giúp giá trị thương hiệu VIB tăng lên 51% trong năm, là mức cao nhất ngành, theo Brand Finance.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2024 giảm 16% so với năm 2023. Chủ tịch HĐQT lý giải do VIB chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho lợi ích dài hạn của khách hàng và cổ đông. Cụ thể, ngân hàng thực hiện giảm lãi suất quán triệt theo chủ trương của NHNN và Chính phủ; trích lập dự phòng bổ sung với quy mô lớn liên tục trong 2 năm 2023 và 2024 để dự phòng cho các khoản cấp tín dụng tiềm ẩn rủi ro cao; đầu tư mạnh vào các giải pháp tiên tiến về sản phẩm dịch vụ, lãi suất; đầu tư số hóa và công nghệ; đầu tư xây dựng thương hiệu; đầu tư vào các phân khúc khách hàng tốt để giảm rủi ro.

Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế năm nay sẽ tăng trở lại 22% lên 11.020 tỷ đồng. Riêng quý I, lãi đạo VIB tiết lộ ước thực hiện được 20 – 22% kế hoạch lợi nhuận năm. Theo chu kỳ, các quý sau càng tăng trưởng tốt hơn do quý I có thời gian tết và có tháng 2 là tháng có số ngày thấp nhất năm (28 – 29 ngày). Tăng trưởng tín dụng của nhà băng xấp xỉ 3% trong khi toàn ngành khoảng 2%.

HĐQT trình phương án tăng vốn điều lệ từ 29.791 tỷ đồng lên 34.040 tỷ đồng theo hình thức phát hành cổ phiếu từ vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tối đa 14% và ESOP tỷ lệ tối đa 0,26%. Ngoài ra, VIB cũng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa 7%.

Tại đại hội, ông Vỹ cũng có chia sẻ về vấn đề luật hóa Nghị quyết 42. Chủ tịch VIB đánh giá đây là chủ đề quan trọng, nếu không được luật hóa tác động lớn đến hệ thống ngân hàng, đặc biệt với khối bán lẻ và hoạt động thực chất. Bởi với các ngân hàng có nhiều khách hàng doanh nghiệp, khoản nợ lên đến vài nghìn tỷ, chỉ cần được tái cơ cấu vẫn ghi nhận lợi nhuận. Còn ngân hàng bán lẻ như VIB, 80% là khách hàng cá nhân, phải trích lập dự phòng toàn bộ.

“Không được luật hóa Nghị quyết 42 khiến quá trình đi thu nợ các cá nhân khó khăn, chúng tôi đã nêu ý kiến và cảm nhận được NHNN, cơ quan Nhà nước rất muốn tháo gỡ. Nếu Nghị quyết 42 được luật hóa, tôi tin rằng sẽ phản ánh tốt vào kết quả kinh doanh của VIB”, ông Vỹ bày tỏ.

Mỹ Hà-Link gốc

Bình luận (6)

14:18
 1
5k thì làm luôn, còn kg thì dẹp
14:35
BigBoy Đẹp Trai bèo thế bác em 10k là xuc ngon
14:38

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long