Sáng nay hệ thống giao dịch mới KRX được đưa vào vận hành, nhưng tâm lý phân vân trong giao dịch của giới đầu tư vẫn hiện rõ khi thị trường chứng khoán đang đối diện với những yếu tố bất định.
Cuối phiên sáng 5/5, VN-Index tăng 4,83 điểm lên 1.231,13 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 227,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 5.694,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 150 mã tăng giá, 133 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.
HNX-Index giảm nhẹ 0,14 điểm xuống 211,8 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 20,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 308 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giám, 79 mã giảm giá và 48 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,05 điểm lên 92,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,9 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 3 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 86 mã giảm giá và 78 mã đứng giá.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: TTXVN
Rổ cổ phiếu VN30 có 9 mã tăng giá, 15 mã giảm giá và 6 mã đứng giá. VN-Index giữ được sắc xanh là nhở công lớn của nhóm cổ phiếu Vingroup. Theo đó, VHM tăng 4,11%, VIC tăng 3,38% và VRE tăng 2,33%. Các nhóm cổ phiếu còn lại đa phần diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Thêm vào đó, mức tăng và giảm của các mã cổ phiếu là không lớn.
Thực tế cho thấy, bước sang tháng 5, thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố vĩ mô, từ kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp, đến việc đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, diễn biến đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ, kỳ họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đây là những yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong dài hạn.
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), KRX có thể mang lại một số kỳ vọng tích cực trong tháng 5, tuy nhiên nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng KRX sẽ là “liều thuốc kích thích” thị trường trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở giai đoạn điều chỉnh, nhiều thông tin tích cực như kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, kết quả kinh doanh khởi sắc hay vận hành hệ thống giao dịch mới đều chưa thể tạo hiệu ứng mạnh.
Ông Đức cho rằng, yếu tố vĩ mô vẫn giữ vai trò chi phối lớn nhất đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư. Trong trường hợp các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo hướng cứng rắn, lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, từ đó khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán khó khởi sắc bất chấp các cải tiến kỹ thuật. Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bị chi phối bởi bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng, chờ đợi thông tin về đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như diễn biến mới về khả năng có thể có đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không.
Khả năng cao, chỉ số VN-Index sẽ biến động ở biên độ hẹp, dao động trong mức 1.220-1.250 điểm trước khi đón nhận thông tin tích cực hoặc tiêu cực về diễn biến đàm phán thương mại.
Bình luận (1)
Éo bị mất thằng thao túng đặt mua bán atc-ato
Thị trường dần minh bạch hơn





