Red Capital, cổ đông lớn thứ hai của Seaprodex, bị UBCKNN xử phạt 85 triệu đồng vì không tách biệt về trụ sở với các tổ chức khác.
Cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ Quản lý Quỹ Đầu tư Đỏ (Red Capital).
Cụ thể, doanh nghiệp bị phạt 85 triệu đồng, do vi phạm quy định về tách biệt trụ sở làm việc với các tổ chức khác.
Theo hồ sơ, Red Capital đăng ký trụ sở chính tại phòng 4, lầu 9, tòa nhà The Landmark, số 5B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây cũng là địa chỉ của Công ty TNHH Tư vấn Đỏ – được cấp phép hoạt động từ ngày 10/08/2023.
Lịch sử đổi tên, đổi chủ dày đặc
Red Capital, tiền thân là Công ty CP Quản lý Quỹ Dầu khí Toàn Cầu (GPFund), được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đơn vị này từng thuộc Ngân hàng Thương mại CP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) cùng một số cá nhân và tổ chức khác.
Sau nhiều lần đổi tên và chuyển nhượng cổ phần, Red Capital chính thức hoạt động dưới tên hiện tại. Tuy nhiên, lịch sử biến động liên tục về chủ sở hữu và ban lãnh đạo đã làm dấy lên nghi vấn về tính ổn định trong định hướng phát triển của công ty.
Vào tháng 09/2015, công ty đổi tên thành Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư IB (IBCAP) với vốn điều lệ 57,3 tỷ đồng. Đến tháng 12, sau khi được chuyển nhượng cho Công ty CP Chứng khoán IB (VIX), công ty tiếp tục đổi tên thành Công ty CP Quản lý Quỹ IB (IBFM).
Không lâu sau, Chứng khoán IB đã thoái vốn và công ty chuyển sang chủ sở hữu mới, đồng thời đổi tên thành Công ty CP Quản lý Quỹ Đầu tư Đỏ (Red Capital). Thời điểm đó, HĐQT của Red Capital bao gồm bà Đỗ Thị Phương Lan – Chủ tịch HĐQT; bà Võ Thị Minh Ngân; bà Trương Thanh Tú; ông Võ Long Nguyên và ông Nguyễn Văn Tuấn.
Tháng 11/2017, công ty quản lý quỹ này đã tăng vốn điều lệ từ 57,25 tỷ đồng lên 70 tỷ đồng thông qua đợt phát hành cổ phần cho ông Nguyễn Phan Minh Khôi. Sau đó, cơ cấu HĐQT cũng thay đổi, với sự góp mặt của ông Nguyễn Phan Minh Khôi và bà Thẩm Thị Mai Hương, thay thế vị trí của ông Nguyễn Văn Tuấn và bà Trương Thanh Tú.
Ngày 09/01/2024, công ty tiếp tục thực hiện tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn từ 70 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Phương Lan đang giữ vai trò Tổng Giám đốc của Red Capital.
Bà Đỗ Thị Phương Lan hiện đang giữ vai trò Tổng Giám đốc của Red Capital
Nắm giữ 900 tỷ đồng từ việc ủy thác cổ phiếu SEA
Red Capital chủ yếu cung cấp các dịch vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục và tư vấn đầu tư. Hiện công ty là đơn vị quản lý Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One (R1MF), tập trung vào lĩnh vực bất động sản và hạ tầng.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý 3/2024 cho thấy nhiều tín hiệu không mấy khả quan. Doanh thu thuần giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 2,7 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 24%, còn hơn 1,7 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng suy giảm 7%, chỉ còn 527 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt gần 6,6 tỷ đồng, giảm mạnh 41%. Lợi nhuận gộp giảm đến 60%, chỉ còn gần 3,7 tỷ đồng.
Điểm sáng duy nhất nằm ở hoạt động tài chính, với lợi nhuận tăng mạnh nhờ cổ tức và lợi nhuận từ bán các khoản đầu tư tài chính. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt 6,5 tỷ đồng, gấp 36 lần cùng kỳ năm trước, góp phần giúp công ty ghi nhận lãi ròng hơn 3,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 13%.
Tính đến ngày 30/09/2024, tổng tài sản của Red Capital đạt gần 120 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, cơ cấu tài sản lại phản ánh sự mất cân đối khi 71% tài sản tập trung vào danh mục đầu tư dài hạn, đạt 85 tỷ đồng, trong khi các khoản đầu tư ngắn hạn chỉ còn hơn 26 tỷ đồng.
Danh mục đầu tư dài hạn bao gồm 50 tỷ đồng vào Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One (15,63% vốn) và 35 tỷ đồng vào Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tăng trưởng R3F (11,67% vốn). Trong khi đó, danh mục ngắn hạn gồm 4 mã cổ phiếu MWG, BSR, POW và GAS, trong khi danh mục đầu năm chỉ có EIB.
Tổng tài sản không thay đổi nhiều, tuy nhiên quy mô ngoài bảng cân đối của Red Capital lại thay đổi đột biến khi ghi nhận 891 tỷ đồng ủy thác của nhà đầu tư trong nước, gấp 7,4 lần tổng tài sản.
Trong quý III/2024, Red Capital tiếp nhận quyền quản lý tài sản ủy thác từ HD Capital, cụ thể là 18 triệu cổ phiếu, tương đương 14,4% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam - Công ty CP (Seaprodex, UPCoM: SEA). Khách hàng ủy thác trong thương vụ này là Công ty CP Chứng khoán VIX (HoSE: VIX).
Giao dịch được thực hiện thông qua Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSD). Với mức giá đóng cửa 49.500 đồng/cp tại phiên cuối cùng của quý 3/2024, tổng giá trị 18 triệu cổ phiếu được Red Capital ghi nhận đạt khoảng 891 tỷ đồng.
Red Capital là cổ đông lớn thứ hai của Seaprodex, chỉ đứng sau SCIC.
Đáng chú ý, là Red Capital có mối liên hệ chặt chẽ với ban lãnh đạo của Seaprodex. Red Capital có ba người liên quan tại Seaprodex, gồm bà Phạm Trâm Anh (Thành viên BKS), ông Võ Tùng Hưng (Thành viên HĐQT), bà Đỗ Thị Phương Lan (Thành viên HĐQT). Cả ba cá nhân không sở hữu cổ phiếu SEA.
Tại thời điểm cuối năm 2023, cơ cấu cổ đông của Seaprodex gồm: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 63,38% vốn điều lệ; Công ty CP Quản lý Quỹ HD sở hữu 14,4% vốn. Phần còn lại – 22,22% vốn điều lệ, thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ dưới 5% mỗi người.
Việc Red Capital tiếp nhận quyền quản lý ủy thác từ HD Capital đã đưa công ty trở thành cổ đông lớn thứ hai của Seaprodex, chỉ đứng sau SCIC.
Bình luận (6)