Hãy là người đầu tiên thích bài này
Chân dung liên danh thực hiện dự án biệt thự gần 800 tỷ đồng tại Hòa Bình

Nhà đầu tư thực hiện dự án khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng, kết hợp du lịch sinh thái, quy mô gần 29ha là Liên danh CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (HOSE: HVH) và CTCP Tập đoàn Hồ Gươm.

Một góc TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Báo Chính phủ.

Ngày 15/5, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với Liên danh CTCP Đầu tư và Công nghệ HVC (HoSE: HVH) và CTCP Tập đoàn Hồ Gươm để thực hiện dự án khu biệt thự nhà vườn, trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái tại xã Mông Hóa, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dự án có quy mô hơn 28,7ha, tổng vốn đầu tư gần 792 tỷ đồng.

Trước đó, cả HVH và Tập đoàn Hồ Gươm thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư HVC và Hồ Gươm Hòa Bình vào tháng 12/2023. Vốn điều lệ công ty là 150 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp của HVH và Tập đoàn Hồ Gươm lần lượt là 70% và 30%.

Cho đến cuối năm 2023, HVH – một thành viên thuộc liên danh kể trên đã chi gần 122 tỷ đồng tiền chi phí thu mua đất để thực hiện dự án.

Theo tìm hiểu, HVH được thành lập từ năm 2010, hoạt động kinh doanh chủ yếu là tổng thầu cơ điện; tổng thầu thiết kế công nghệ, cung cấp lắp đặt các thiết bị vui chơi giải trí cao cấp như bể bơi, sân trượt băng nghệ thuật, thủy cung đại dương, công viên nước… Cổ phiếu HVH chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 30/11/2018.

Tại thời điểm cuối quý I/2024, vốn điều lệ công ty đạt hơn 406 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông công ty gồm ông Trần Hữu Đông – Chủ tịch HĐQT (21,93%), ông Đỗ Huy Cường – Phó Chủ tịch HĐQT (12,48%) và ông Lê Văn Cường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (10,548%). Tính ra, 3 lãnh đạo cấp cao HVH sở hữu gần 45% vốn công ty.

Theo BCTC quý I/2024, doanh thu HVH đạt hơn 104 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 9 tỷ đồng, tương đương lần lượt gấp 2,7 và 7,6 lần so với cùng kỳ. Công ty cho biết các KQKD tích cực trong kỳ BCTC nhờ vào sự khởi sắc của doanh thu thi công và lắp đặt công trình.

Tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng tài sản HVH đạt gần 613 tỷ đồng, giảm 7% so với số đầu năm. Chiếm chủ yếu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn gần 181 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 125,6 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn 119,7 tỷ đồng.

Về cái tên còn lại trong liên danh, Tập đoàn Hồ Gươm thành lập năm 2001, trụ sở tại quận Hà Đông, TP. Hà Nội, tiền thân công ty là phân xưởng may 2 thuộc xí nghiệp dịch vụ may Konfetimex thành lập năm 1992. Sau nhiều lần chuyển đổi, đến năm 1999, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và lấy tên là CTCP May Hồ Gươm. Năm 2017, công ty chuyển đổi thành Tập đoàn Hồ Gươm và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hồ Gươm như hiện tại.

Trong giai đoạn 2017-2021, công ty đã tăng mạnh vốn từ 21 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT, Kiêm Người đại diện theo pháp luật là bà Ninh Thị Tỵ (SN 1954). Tập đoàn dệt may Việt Nam - Vinatex (nơi bà Tỵ từng là đại diện, Phó Tổng giám đốc) từng có giai đoạn nắm vốn Tập đoàn Hồ Gươm, song đã thoái hết vốn.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến pháp nhân cùng nhóm là CTCP May Chiến Thắng (thành lập năm 2005). Theo tìm hiểu, May Chiến Thắng từng là công ty liên kết do Tập đoàn Dệt may Việt Nam sở hữu gần 22% vốn (tương đương 6 tỷ đồng vốn góp), tính đến thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, Vinatex sau đó đã thoái hết vốn, khoản đầu tư này không còn xuất hiện trong danh sách các công ty liên kết của công ty.

Có thể thấy, quá trình hơn 2 thập niên hình thành và phát triển của cả Tập đoàn Hồ Gươm và May Chiến Thắng in đậm dấu ấn của nữ doanh nhân Ninh Thị Tỵ. Đặc biệt, với riêng May Chiến Thắng, bà Tỵ được truyền thông mô tả là người "thuyền trưởng" đưa doanh nghiệp vượt qua giai đoạn kinh doanh khó khăn, thua lỗ sau khi chuyển đổi sang cổ phần hóa (năm 2005).

Vai trò của bà Tỵ còn được thể hiện ở các vị trí cấp cao như Chủ tịch HĐQT, Người đại diện theo pháp luật tại Tập đoàn Hồ Gươm và May Chiến Thắng.

Trở lại với Tập đoàn Hồ Gươm, không dừng lại ở lĩnh vực dệt may, tập đoàn còn lấn sân sang lĩnh vực địa ốc khi khởi công xấy dựng Hồ Gươm Plaza tại phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội vào năm 2009. Đây là tổ hợp căn hộ cao cấp, văn phòng và trung tâm thương mại, vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tập đoàn Hồ Gươm còn triển khai các dự án tổ hợp nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành như Hoà Bình là Hồ Dụ và lòng hồ Sông Đà thuộc xã Suối Hoa, bên cạnh các dự án khác đang trong quá trình nghiên cứu tính khả thi tại các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hoá, Yên Bái.

Năm 2014, Tập đoàn Hồ Gươm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch công nghệ cao với trang trại tía tô xanh xuất khẩu Nhật Bản được xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh với diện tích 11,4ha, đầu tư hơn 150 tỷ đồng; tiếp nối sau đó là nông trường Hồ Gươm – Sông Âm ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa với diện tích gần 1.000ha; Nông trường Hồ Gươm – Hoàng Lan tại huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai có diện tích gần 600ha…

Huy Ngọc-Link gốc

 

Đang tải nội dung...

Bình luận (2)

anh em bán mạnh đi để gom tý năm sau kiếm tý 10 % CỔ TỨC🤣
10:38

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long