Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2025: Nhiều công ty lãi kỷ lục

Bức tranh kinh doanh quý 2/2025 đang dần hoàn thiện khi trong tuần qua tiếp tục có loạt doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính. Nhiều công ty báo lợi nhuận kỷ lục, lãi đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Đã có 2 doanh nghiệp dệt may báo lãi quý 2/2025 cao kỷ lục. Ảnh: TNG

Tâm điểm khối ngân hàng

Nếu tuần trước, tâm điểm kết quả kinh doanh hướng về nhóm chứng khoán thì tuần này là nhóm ngân hàng. Tính đến nay, đã có 3 ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt trên 10.000 tỷ đồng, gồm Techcombank, VPBank và ACB.

Cụ thể, Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2/2025 đạt 7.898 tỷ đồng, tăng 0,92% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng này.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 15.135 tỷ đồng, giảm 3% YoY.

ACB cũng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế quý cao nhất trong lịch sử hoạt động với 6.093 tỷ đồng, tăng 8,8% YoY. Tính chung 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 10.690 tỷ đồng, tăng 1,9% YoY.

Với VPBank, lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm đạt 11.229 tỷ đồng, tăng 30% YoY. Riêng trong quý 2, lợi nhuận của ngân hàng đạt 6.215 tỷ đồng, tăng 38% YoY.

Ở nhóm nhỏ hơn, các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính hoặc kết quả kinh doanh sơ bộ đều ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, NCB có mức tăng trưởng vượt trội nhất. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của NCB ước đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 6 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.

Kienlongbank cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao với lợi nhuận sau thuế đạt 451 tỷ đồng trong quý 2/2025, tăng 68% YoY. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 736 tỷ đồng, tăng 67% YoY.

Trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) có xu hướng thu hẹp do lãi suất cho vay liên tục giảm kể từ nửa cuối năm 2023, động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng được bù đắp bằng nhu cầu tín dụng được thúc đẩy.

Năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương ứng bơm thêm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 30/6/2025, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 10% so với cuối năm 2024 và gấp 2,5 lần YoY.

Thực tế, dư nợ cho vay khách hàng của các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2025 đều tăng trưởng đáng kể. Techcombank ghi nhận 710.313 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6, tăng 12% so với đầu năm; VPBank ghi nhận 829.126 tỷ đồng, tăng 19%; ACB ghi nhận 633.748 tỷ đồng, tăng 9,3%; LPBank ghi nhận 368.726 tỷ đồng, tăng 11%; KienlongBank ghi nhận 69.547 tỷ đồng, tăng 13%...

GEX, FPT Telecom, Nhựa Bình Minh lãi quý kỷ lục

Nhiều doanh nghiệp ngoài khối ngân hàng cũng báo lãi quý 2/2025 cao kỷ lục, gồm CTCP Tập đoàn Gelex (mã GEX), CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, mã FOX), CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP), CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP), CTCP Nam Việt (Navico, mã ANV), CTCP BAF Việt Nam (mã BAF), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (mã HTG)...

Trong đó, Navico là doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất, đạt 333 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm trước lỗ hơn 2 tỷ đồng). Kết quả này đến từ sự gia tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Cụ thể, ANV đạt 1.726 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý vừa qua, tăng 45% YoY. Lợi nhuận gộp đạt 486 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 28,2% (so với quý 2/2024 đạt 12,4%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 2.832 tỷ đồng, tăng 24% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt 465 tỷ đồng, gấp 31 lần YoY.

Năm 2025, Navico đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục với con số 1.000 tỷ đồng. Với 514 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành hơn 50% lộ trình. Doanh nghiệp này cũng tham vọng tăng trưởng đều đặn với mục tiêu lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.200 tỷ đồng vào năm 2026 và 1.400 tỷ đồng vào năm 2027.

Hoá chất Đức Giang tăng trưởng nhẹ, Sabeco “đi lùi”

Ngoài các doanh nghiệp trên, nhiều công ty lớn cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 2 trong tuần qua. CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (mã DGC) đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.894 tỷ đồng, tăng 16% YoY. Do biên lợi nhuận gộp thu hẹp nên lãi sau thuế chỉ tăng hơn 2% YoY, đạt 891 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 5.705 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt 1.728 tỷ đồng, tăng 9% YoY. Công ty đã hoàn thành 55% mục tiêu doanh thu và 58% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) ghi nhận kết quả “đi lùi” với doanh thu quý 2/2025 đạt 6.804 tỷ đồng, giảm 16% YoY; lợi nhuận sau thuế 1.251 tỷ đồng, giảm 5% YoY.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn đạt doanh thu 12.615 tỷ đồng, giảm 17% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm 12,5% YoY.

Theo giải trình của Sabeco về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng vì thời điểm Tết khác nhau (tháng 1/2025 so với tháng 2/2024), cạnh tranh gay gắt trên thị trường và tác động của việc hợp nhất Tập đoàn Bia Bình Tây (Sabibeco) kể từ ngày 3/1/2025 khi trở thành công ty con khiến thuế tiêu thụ đặc biệt tăng theo.

Kết quả kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc thu nhập lãi tiền gửi giảm và chi phí tài chính tăng phát sinh từ thương vụ mua lại Tập đoàn Bia Bình Tây.

CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group, mã PAN) đạt doanh thu thuần 4.064 tỷ đồng, tăng 20% YoY; lợi nhuận sau thuế 265 tỷ đồng, tăng 32% YoY. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ (lãi ròng) đạt 140 tỷ đồng, tăng 65% YoY.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 8.184 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% YoY; lợi nhuận sau thuế đạt 459 tỷ đồng, tăng 22% YoY. Lãi ròng đạt 248 tỷ đồng, tăng 40% YoY.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long