Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu: Nỗ lực vượt khó trong mùa mưa, phấn đấu vượt sản lượng

Bước vào niên vụ khai thác mủ cao su từ những ngày đầu năm 2024 với vô vàn khó khăn như thiếu lao động, thời tiết… Tuy nhiên, Công ty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu đã nỗ lực đảm bảo sản lượng mủ khai thác theo kế hoạch, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân, người dân.

Cán bộ kỹ thuật Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu hướng dẫn công nhân khai thác mủ cao su

Tại đồi cao su thuộc bản Thẩm Phé, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), công nhân Tổ sản xuất số 1 đang miệt mài cạo mủ cao su. Đối với các công nhân mới được cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Cao su Dầu Tiếng – Lai Châu nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cạo, thu hoạch. Mặc dù thời tiết khắc nghiệt, mưa gió, kèm với nắng nóng thất thường, song trên các dải đồi cao su, từng tốp công nhân vẫn hăng say lao động thu hoạch mủ. Nhiều người nghĩ rằng vùng đất này trước kia từng chỉ trồng duy nhất cây ngô, cây sắn hoặc bỏ không do bạc màu mà giờ cây cao su có thể bén rễ và chính thức khơi dòng “vàng trắng”. Chủ trương trồng và phát triển cây cao su không chỉ tạo điều kiện giải quyết nguồn lao động dư thừa tại địa phương mà còn giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang hình thành vùng công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Phi – TGĐ Cao su Dầu Tiếng

– Lai Châu cho biết, công ty đang quản lý 1.020 ha, trong đó khai thác trên 326 ha cao su trên địa bàn 5 xã của huyện Than Uyên. Tổng số lao động của công ty 57 người, trong đó có 30 công nhân khai thác với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Tổng diện tích đã ký kết hợp đồng góp đất, thuê đất 1.177,83 ha; công ty tổ chức chi trả 10% cho các hộ dân góp đất trồng cao su năm 2023 với trị giá 240 triệu đồng.

Vùng trồng cây cao su của công ty nằm trên lòng hồ thủy điện Bản Chát địa hình đất dốc và bị chia cắt nên quá trình khai thác, vận chuyển mủ cao su rất khó khăn vất vả cho công nhân. Bên cạnh đó, vườn cây mới đưa vào kinh doanh nên đầu tư trang bị năm đầu nhiều ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Hơn nữa năng suất trên vườn cây thấp dẫn đến tiền lương người lao động thấp khó tuyển dụng lao động. Ngoài ra, thời tiết diễn biến bất thường, mưa nhiều và kèm theo gió giật mạnh (gãy đổ cây cao su) ảnh hưởng nhiều đến công tác khai thác. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo công ty họp bàn đưa ra kế hoạch SXKD phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, làm tốt công tác tuyển dụng lao động gắn với đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình khai thác mủ cao su, phân định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đặt ra mục tiêu cụ thể cần đạt trong từng tháng, quý, năm. Chú trọng trang bị vật tư đầy đủ, vệ sinh vườn cây thông thoáng, công tác bảo đảm vệ sinh và chất lượng mủ nguyên liệu ngoài vườn cây.

Song song các giải pháp bố trí sản xuất trên vườn cây, công ty tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng những giải pháp tiền lương, chính sách như: điều chỉnh và công bố cho NLĐ về định mức lao động, chế độ tiền lương mới phù hợp với việc tăng khối lượng năng suất lao động. Quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. 100% NLĐ tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đầu năm 2024 đến nay, công ty khai thác 78,24 tấn mủ quy khô, đạt 55,89% kế hoạch sản lượng giao là 140 tấn mủ. Công ty phấn đấu hết năm sẽ thực hiện khoảng 160 tấn. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho công nhân, thực hiện chi trả quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su.

PHƯƠNG LY

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long