Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng năm 2025 đang vào mùa sôi động. Bên cạnh những đơn vị lựa chọn tổ chức tại Hà Nội hoặc TP.HCM, năm nay, nhiều ngân hàng chọn tổ chức ĐHCĐ tại quê hương của những người sáng lập hoặc khu vực có dự án trọng điểm của ngân hàng.
Tìm động lực mới từ địa phương
Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông tại Ninh Bình. Đây là mảnh đất đã chứng kiến những bước đầu trong sự nghiệp kinh doanh của Chủ tịch HĐQT LPBank Nguyễn Đức Thụy.
Không chỉ là quê hương, Ninh Bình còn là cái nôi khởi nghiệp của ông Nguyễn Đức Thụy trước khi ông bước chân vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Việc tổ chức đại hội tại đây được xem như một lời khẳng định cho định hướng gắn bó lâu dài và chiến lược phát triển bền vững của LPBank tại khu vực Bắc Trung Bộ.
LPBank tiếp tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông 2025 tại Ninh Bình
Hiện nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) vẫn là cổ đông lớn nhất của LPBank, sở hữu gần 167,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương tỷ lệ 6,54%. Người có liên quan VNPost sở hữu hơn 225.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chưa đến 0,09%.
Cổ đông còn lại theo báo cáo của LPB là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy với hơn 70,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 2,765%. Người có liên quan ông Thụy nắm gần 3.900 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,0002%.
Tương tự LPBank, Bắc Á Bank cũng lựa chọn tổ chức ĐHCĐ tại Nghệ An, quê hương của bà Thái Hương - Nhà sáng lập ngân hàng này. Nghệ An cũng là “cái nôi” của hệ sinh thái TH Group với những dự án nông nghiệp công nghệ cao, nổi bật như Trang trại TH True Milk.
Theo báo cáo thường niên, Bac A Bank có tổng cộng 1.440 cổ đông, trong đó 96,4% là cổ đông cá nhân. Đặc biệt, bà Thái Hương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bac A Bank hiện sở hữu hơn 37,9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 4,6% vốn điều lệ, trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất tại đây. Ngoài ra, một số người thân trong gia đình bà Thái Hương như ông Nguyễn Văn Danh (em rể), ông Hoàng Ngọc Hòa (em rể), cùng một số lãnh đạo khác cũng sở hữu lượng lớn cổ phần.
Trang trại TH True Milk tại Nghệ An
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) lại lựa chọn tổ chức đại hội tại Quảng Ninh, tỉnh thành có nhiều hoạt động đầu tư lớn của ngân hàng trong những năm gần đây. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là khu vực trọng điểm trong chiến lược phát triển vùng kinh tế phía Bắc mà PVcomBank đang theo đuổi.
Tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 52% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, tổ chức nước ngoài Morgan Stanley sở hữu 6,67% cổ phần. Cổ đông cá nhân trong nước hiện nắm khoảng 30,86% vốn điều lệ PVcomBank.
PVcomBank tổ chức ĐHĐCĐ 2025 tại Quảng Ninh
Một mũi tên trúng nhiều đích
Việc tổ chức ĐHCĐ tại các địa phương cho thấy cách các ngân hàng đang dịch chuyển chiến lược phát triển, gắn kết chặt chẽ hơn với từng vùng miền. Đặc biệt, trong bối cảnh ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ, khai thác tệp khách hàng địa phương, việc chọn tổ chức đại hội tại những địa bàn trọng điểm giúp ngân hàng quảng bá hình ảnh, mở rộng mối quan hệ.
Không chỉ vậy, một số ngân hàng còn coi đây là cơ hội để giới thiệu thành tựu, sản phẩm/dịch vụ mới, cũng như gia tăng trải nghiệm cho cổ đông, thay vì tổ chức một đại hội khô cứng, hình thức. Các cổ đông khi tham dự đại hội tại địa phương cũng có cơ hội tham quan thực tế các dự án mà ngân hàng hoặc hệ sinh thái liên kết đang triển khai.
Mùa ĐHCĐ 2025 cũng diễn ra trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm cho đến áp lực tăng vốn. Bên cạnh các nội dung thường niên như thông qua báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh, chia cổ tức, nhiều ngân hàng năm nay sẽ phải trình cổ đông các phương án tăng vốn, tái cấu trúc hoặc xử lý tài sản tồn đọng.
Việc tổ chức đại hội ở các địa phương có thể giúp giảm áp lực truyền thông, tạo không gian cởi mở, thuận lợi hơn cho các hoạt động tương tác giữa cổ đông và lãnh đạo ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các "ông lớn" ngân hàng khẳng định chiến lược phát triển dài hạn gắn với các trung tâm kinh tế ngoài Hà Nội và TP.HCM.





