Doanh thu bán thuốc kê đơn (ETC) được giới phân tích dự báo sẽ đạt 5,7 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng 76,6% tổng doanh thu bán thuốc toàn thị trường. Cuộc cạnh tranh phân phối thuốc qua kênh đấu thầu bệnh viện ngày càng gay cấn giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Hoạch định tài chính để ngăn ngừa rủi roThúc đẩy đầu tư tư nhân để nâng tầm thị trường chứng khoán
Bước sang tháng cuối của quý IV/2024, trái ngược với diễn biến “lình xình” của cổ phiếu nhiều ngành hàng khác, nhóm cổ phiếu ngành dược tiếp tục những phiên tăng giá mạnh mẽ. Trong số, hơn 30 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024, có hơn 2/3 ghi nhận lãi đậm so với cùng kỳ.
Cổ phiếu các tên tuổi lớn, như Dược Hà Tây (DHT), Bidiphar (BDP), Dược Hậu Giang (DHG), Dược Việt Nam (DVM), Mekophar (MKP), Imexpharm (IMP)… đều ghi nhận có những phiên tăng giá kịch trần. Doanh thu và lợi nhuận của nhiều công ty tăng mạnh mẽ nhờ kết quả tích cực từ việc bán thuốc, nhất là bán thuốc kê đơn qua kênh đấu thầu bệnh viện.
Theo ghi nhận của Fitch Solutions, tính đến thời điểm hiện tại động lực tăng trưởng chính của ngành dược phẩm Việt Nam nằm trong mảng phân phối thuốc kê đơn. Hiện kênh ETC đang chiếm khoảng 75% thị phần phân phối thuốc chữa bệnh trên thị trường với tốc độ tăng trưởng 8-12%/năm.
Kênh phân phối thuốc qua bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh chiếm 75% thị phần thuốc trên toàn thị trường đang là “mỏ vàng” để các hãng dược khai thác
“Trong năm 2025, doanh số bán thuốc ETC của các doanh nghiệp dược phẩm sẽ đạt khoảng 5,7 tỷ USD. Con số này nhiều khả năng sẽ tăng tịnh tiến, đạt mức 7,3 tỷ USD vào năm 2027 và cộng thêm 8-10% trong các năm giai đoạn 2025-2030”, Fitch Solutions nhận định.
Theo giới phân tích, lý do khiến kênh phân phối thuốc kê đơn trong ngành dược duy trì tốc độ tăng trưởng cao như kể trên là do ngành này đang có được “thiên thời” từ quá trình già hóa dân số cũng như sự phát triển bao phủ mạnh của bảo hiểm y tế.
Cụ thể, đến hiện tại, các thống kê cho thấy rằng tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt mức khoảng 7,2% tổng dân số. Con số này sẽ tăng lên mức 20-25% vào những năm 2030. Đồng nghĩa rằng số người phải dùng thuốc thường xuyên để điều trị thường xuyên các bệnh mãn tính tăng lên. Chi phí cho việc tầm soát, khám chữa bệnh sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu nhập.
Ở góc độ bảo hiểm y tế, theo các chuyên gia, từ sau dịch Covid-19, người dân quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Số lượng người khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế (tức sử dụng thuốc kê đơn ETC từ các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh) năm 2023 đạt mức 174,8 triệu lượt, tăng gần gấp đôi năm 2018. Bên cạnh đó, hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện cũng có xu hướng tăng, đạt mức 93,4% dân số vào năm 2023. Điều này càng hậu thuẫn mạnh mẽ cho việc tăng trưởng kênh bán thuốc kê đơn cho bệnh viện qua hình thức đấu thầu đối với các hãng dược (cả trong và ngoài nước).
Theo quan sát từ thị trường, hiện nay lợi thế đấu thầu bán thuốc ETC cho các bệnh viện vẫn nghiên nhiều hơn về nhóm các doanh nghiệp dược nước ngoài. Những năm gần đây, một số hãng dược nội địa lớn đã mở rộng quy mô, nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy lên EU-GMP hoặc tương đương.
Tuy nhiên, ngành dược phẩm Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất thuốc generic, cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc chuyên khoa đặc trị, chỉ khoảng 6% thuốc sản xuất trong nước nằm trong nhóm 1 tham gia đấu thầu. Vì thế, cơ hội cạnh tranh phát triển kênh bán thuốc ETC trong các năm tới sẽ phụ thuộc vào sự chủ động chuyển đổi mô hình của các doanh nghiệp nội địa. Trong đó, đặc biệt là chú trọng hơn trong đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D); tận dụng các pháp lý ưu tiên sản phẩm sản xuất trong nước từ Luật Đấu thầu năm 2023.
Trong ngắn hạn, với tốc độ tăng trưởng nhanh của cả kênh phân phối thuốc ETC và OTC (kênh bán lẻ tự do), nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành dược sẽ bựt ra khỏi ngưỡng “phòng thủ”, khiến doanh thu, lợi nhuận có sự tăng trưởng bứt tốc; tạo đà cho các thương vụ mua bán sáp nhập quy mô lớn, nhất là các thương vụ hợp tác chia sẻ cổ phần với các doanh nghiệp khối ngoại.
Nhìn nhận từ thị trường cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp như Bidiphar, Dược Hậu Giang, Traphaco… đều đã “đánh tiếng” chia sẻ cổ phần, tìm kiếm các cổ đông chiến lược. Trong khi trước đó, các doanh nghiệp khác như Dược phẩm Hà Tây đã thành công bán 8,4 triệu cổ phiếu cho ASKA Pharmaceutical Co Ltd (Nhật Bản); Trung Sơn Pharma đã hoàn tất thương vụ trị giá 30 triệu USD khi chuyển nhượng 51% cổ phần cho tập đoàn Dongwha Pharm của Hàn Quốc và Davipharm cũng đã bán toàn bộ cổ phần cho Adamed Pharma của Ba Lan. Vì thế làn sóng M&A các công ty dược nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong năm 2025 và các năm sắp tới.
Bình luận (7)