Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cẩn trọng cổ phiếu thoái vốn

Để đầu tư theo sóng các cổ phiếu có “game” thoái vốn, nhà đầu tư cần tập trung vào những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, cơ cấu tài sản và nợ vay lành mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo tính minh bạch và công bố thông tin đầy đủ theo quy định pháp luật.

Thông tin doanh nghiệp thoái vốn, đặc biệt là các đơn vị có yếu tố Nhà nước, thường sẽ hấp dẫn dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn. Bởi các đơn vị Nhà nước có xu hướng muốn thoái vốn với mức giá cao hơn thị giá trên sàn chứng khoán.

Theo một thống kê từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam, các giai đoạn mà Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp (giai đoạn 2007-2008 và 2015-2016) đã giúp thanh khoản thị trường chứng khoán tăng mạnh. Cụ thể, năm 2009, thanh khoản thị trường tăng 226% so với năm 2008, từ mức 720 tỷ đồng lên tới 1.623 tỷ đồng một phiên. Đến năm 2018, con số này đạt trên 5.000 tỷ đồng một phiên.

Diễn biến này có thể thấy trong thời gian gần đây ở một số cổ phiếu liên quan đến thoái vốn. Những mã này từng có thời điểm tăng rất mạnh và đi ngược xu hướng của VN-Index.

Chẳng hạn cổ phiếu TTL của Tổng Công ty Thăng Long - CTCP gây ấn tượng với chuỗi tăng trần liên tục từ phiên 5/12 đến phiên 13/12, tương đương tăng gần 77,4%, qua đó đẩy giá cổ phiếu từ 8.400 đồng/CP (giá mở cửa phiên 5/12) lên 14.900 đồng/CP (chốt phiên 13/12). Tuy nhiên, trong các phiên từ 17/12 đến hiện tại, TTL biến động giằng co theo xu hướng đi xuống. Cổ phiếu giảm sàn liên tiếp trong các phiên 17/12 và 18/12.

Nhà đầu tư không nên “đu” giá trần hoặc mua đuổi theo sóng FOMO các cổ phiếu đã tăng mạnh

Đà tăng giá cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư vào phiên bán đấu giá 10,5 triệu cổ phiếu TTL của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 222,6 tỷ đồng, tương đương 21.201 đồng/cổ phần – con số cao hơn so với giá trên sàn hiện tại của TTL.

Tương tự, sức nóng phiên thoái vốn Nhà nước của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cũng khiến cổ phiếu TRT của CTCP RedstarCera và mã VCA của CTCP Thép Vicasa-Vnsteel tăng mạnh. Sau các chuỗi tăng mạnh, cả TRTVCA đều rơi vào nhịp điều chỉnh giảm mạnh. Có thể thấy TRT từ phiên 10/12 - 18/12 có 4 phiên giảm điểm trên 13%; còn VCA giảm hết biên độ liên tục từ phiên 13/12 - 18/12.

Vừa qua, HĐQT VNSTEEL đã ký 2 quyết định bán ra toàn bộ 2,2 triệu cổ phiếu TRT, chiếm 20,05% cổ phiếu lưu hành tại RedstarCera; đồng thời thoái hết 9,87 triệu cổ phiếu VCA, tương đương 65% vốn của Thép Vicasa.

VNSTEEL xác định giá trị cổ phần TRT tại thời điểm ngày 30/6/2024 là hơn 126,5 tỷ đồng, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 57.358 đồng/CP; và giá khởi điểm chào bán cổ phần VCA là 238,48 tỷ đồng một lô cổ phần, tương đương giá trị thực tế một cổ phần sau thẩm định là 24.158 đồng/CP. Đây đều là các con số vượt xa mức giá trên sàn chứng khoán.

Nhưng không phải câu chuyện cổ phiếu thoái vốn nào cũng thực sự an toàn với các nhà đầu tư. Với những cổ phiếu tốt, khi Nhà nước thoái vốn, thị trường sẽ có thêm nguồn cung cổ phiếu chất lượng. Như vậy, thanh khoản và thị giá cổ phiếu sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Thậm chí, ở một số trường hợp, quá trình thoái vốn có thể tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.

Còn với các doanh nghiệp không hiệu quả câu chuyện có thể sẽ khác. Các cổ phiếu này thường sẽ có dòng tiền đầu cơ ngắn hạn chảy vào, qua đó đẩy cao mức thanh khoản và giá cổ phiếu trong nhiều phiên để hấp dẫn nhà đầu tư. Thậm chí, mức giá có thể vượt quá giá trị nội tại của doanh nghiệp. Sau khi quá trình thoái vốn kết thúc (hoặc sắp kết thúc), giá các cổ phiếu này thường có xu hướng giảm mạnh. Nhà đầu tư gặp rủi ro “chôn vốn” hoặc phải cắt lỗ danh mục đầu tư.

Chưa kể, một số doanh nghiệp thoái vốn có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí thua lỗ trong nhiều năm. Đối với trường hợp VCA, công ty này lỗ sau thuế 9 tháng đầu năm 2024 là 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3,5 tỷ đồng. Tương tự, TRT cũng lỗ 33,7 tỷ đồng sau 3 quý kinh doanh đầu năm 2024.

Đối với TTL, lũy kế 9 tháng năm 2024 ghi nhận lãi sau thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm hơn 42% so với cùng kỳ (18,6 tỷ đồng), bất chấp doanh thu tăng 34% lên 1.364 tỷ đồng do giá vốn và các chi phí tăng.

Mặt khác, để một thương vụ thoái vốn thành công, điều quan trọng là giá bán thế nào. Nếu giá khởi điểm cao hơn nhiều lần so với giá cổ phiếu mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn, nhà đầu tư mới chắc chắn sẽ cân nhắc trước quyết định giải ngân tham gia đấu giá.

Còn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc quá khó tìm kiếm cơ hội đầu tư do diễn biến lình xình của chỉ số khiến họ tìm đến các cổ phiếu riêng có câu chuyện đủ hấp dẫn. Thời gian gần đây không chỉ VCA, TRT, TTL, nhiều mã nhỏ và vừa cũng hút tiền của họ như YEG, TDH

Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo để tránh rủi ro, nhà đầu tư không nên “đu” giá trần hoặc mua đuổi theo sóng FOMO các cổ phiếu đã tăng mạnh. Việc đầu tư nên dựa vào tín hiệu dòng tiền, các chỉ báo kỹ thuật hoặc chờ đợi nhịp điều chỉnh để tham gia ở mức giá tốt.

“Hoặc tốt nhất, nhà đầu tư nhỏ không nên quan tâm đến những cổ phiếu dạng này. Thị trường ngày càng phân hóa và cần sự chọn lựa kỹ càng hơn. Còn nếu vẫn muốn theo các ‘game’ thoái vốn, nhà đầu tư cần tập trung vào những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt, cơ cấu tài sản và nợ vay lành mạnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo tính minh bạch và công bố thông tin đầy đủ theo quy định pháp luật”, một nhà đầu tư chia sẻ với phóng viên.

Đức Ngọc-Link gốc

Bình luận (1)

💩💩💩💩💩💩💩💩💩💩💩
13:48

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long