Năm 2025 ngành chăn nuôi có thể tiếp tục tăng trưởng cao nhờ nhu cầu và sản lượng đều tăng. Đây là dự báo được đưa ra tại báo cáo ngành chăn nuôi của ABS Research.
Báo cáo mới công bố của ABS Research cho biết, năm 2024, ngành chăn nuôi kết thúc năm trong bối cảnh chịu thách thức lớn về dịch bệnh và tác động của cơn bão Yagi. Cụ thể, siêu bão Yagi đã làm chết 26.000 con gia súc và hơn 2,9 triệu con gia cầm.
Trong khi đó, tính đến ngày 10/12/2024, cả nước có 1.575 ổ dịch tả lợn châu Phi (tăng gần 79% so với cùng kỳ năm trước - YoY) tại 48 tỉnh; 72 ổ dịch lở mồm long móng (tăng 2,48 lần) tại 20 tỉnh; 145 ổ dịch viêm da nổi cục (tăng 26,08%) tại 20 tỉnh; 269 ca bệnh dại trên động vật (tăng 14,95%) tại 36 tỉnh, thành phố; 2 ổ dịch tai xanh (giảm 60%) tại 2 tỉnh; 14 ổ dịch cúm gia cầm (giảm 30%) tại 9 tỉnh, thành phố.
Dù vậy, năm qua vẫn là một năm về đích của ngành khi giá trị toàn ngành vẫn chiếm hơn 26% GDP, ước giá trị sản xuất chăn nuôi tăng khoảng 5,4% so với năm 2023. Một trong những yếu tố thúc đẩy là do giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng và giá thức ăn chăn nuôi giảm đã tạo động lực cho doanh nghiệp duy trì và tiếp tục mở rộng sản xuất.
ABS cho biết, giá thịt lợn hơi đã tăng mạnh từ mức 52.500 đồng/kg lên mức đỉnh 69.000 đồng/kg (tăng 31,4% YoY) trong nửa đầu năm 2024 do nguồn cung khan hiếm. Sau đó, giá lợn đã giảm về mức hơn 60.000 đồng/kg và hiện đã tăng trở lại, duy trì mức 68.000 – 69.000 đồng/kg. Giá lợn hơi dự kiến tiếp tục tăng khi Tết Nguyên đán tới gần.
Giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng giảm so với cùng kỳ trong năm 2024 như ngô giảm 15,7% YoY; khô đậu tương giảm 10,6% YoY; cám gạo chiết ly giảm 7,9% YoY...
Các động lực trên đã góp phần đưa sản lượng thịt hơi các loại của Việt Nam tăng 3,5% so với năm 2023, lên mức 8,1 triệu tấn trong năm 2024, bao gồm thịt lợn hơi đạt 5 triệu tấn, tăng 3,7% YoY; thịt gia cầm hơi đạt 2,4 triệu tấn, tăng 3,8% YoY, theo số liệu từ Bộ NN&PTNT.
Sản xuất và tiêu thụ thịt lợn của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025 (nghìn tấn). Ảnh: ABS Research
Bước sang năm 2025, ABS dự báo, ngành chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ nhu cầu và sản lượng đều gia tăng, trong đó chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Cụ thể, sản lượng lợn dự kiến tăng trưởng tốt nhờ giá lợn hơi tăng và kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hiệu quả. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, nhờ vào thế mạnh mở rộng đàn và việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (ASF) hiệu quả, sản lượng thịt lợn tại Việt Nam năm 2025 sẽ tăng 3% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 2,5% năm 2024, lên mức 3,8 triệu tấn.
Trong khi đó, giá lợn hơi dự kiến tiếp tục tăng trong các tháng đầu năm 2025, nhất là thời điểm các dịp lễ, tết diễn ra trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Bên cạnh đó, nhu cầu thịt lợn và thịt gia cầm năm 2025 cũng được dự báo tăng trưởng. Theo số liệu mới nhất của USDA, Việt Nam xếp thứ 4 về tiêu thụ thịt lợn, ước tính sản lượng tiêu thụ thịt lợn/đầu người xấp xỉ 37 kg/người năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2024 – 2026 khoảng 3,8%/năm.
Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (OECD – FAO) cũng cho biết, giai đoạn 2025 – 2033, nhu cầu tiêu thụ protein từ thịt bò nhìn chung sẽ giảm dần và được thay thế bằng thịt gia cầm, trong khi nhu cầu tiêu thụ protein từ thịt lợn sẽ vẫn tăng nhẹ đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Mặt khác, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam đang tích cực gia tăng quy mô đàn. Trong đó, sau khi nhập khẩu 10.000 con lợn giống vào cuối năm 2023, Dabaco tiếp tục nhập thêm một lô lợn giống vào cuối tháng 4/2024, đưa quy mô và năng suất đàn lợn lên mức cao nhất trong 28 năm hoạt động của doanh nghiệp. Dabaco hiện có khoảng 50.000 lợn nái và đang đặt tham vọng đạt 60.000 lợn nái.
Đối với BAF, doanh nghiệp đã đưa thêm 6 cụm trang trại vào hoạt động, dự tính tổng đàn cuối năm 2024 sẽ gấp đôi cùng kỳ, nâng lên 75.000 lợn nái và 800.000 lợn thịt.
Bình luận (5)