Hãy là người đầu tiên thích bài này
Các tỷ phú Thái Lan “bỏ túi” gần 30.000 tỷ đồng cổ tức nhờ nắm cổ phần Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh,…

Những “con gà đẻ trứng vàng” trên sàn chứng khoán Việt Nam đem về cho các tỷ phú Thái Lan hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi quyết tâm theo đuổi việc tăng sở hữu tại Vinamilk cho thấy sức hấp dẫn lớn của các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam. Những năm qua, các tập đoàn lớn đến từ Thái Lan đã miệt mài thâu tóm doanh nghiệp Việt, qua đó phủ sóng trên nhiều lĩnh vực, như sản xuất, công nghiệp, chế biến, chế tạo, bán lẻ…

Hiện nay, các tập đoàn khổng lồ của Thái Lan đã trở thành cổ đông lớn hoặc thậm chí chi phối hàng chục doanh nghiệp lớn nhỏ của Việt Nam, trong đó đa phần đều chưa niêm yết. Dù vậy, những thương vụ đáng chú ý nhất lại là các “bom tấn” trên sàn chứng khoán như Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh…

Trên nền tảng kết quả kinh doanh ổn định với doanh thu và lợi nhuận khủng mỗi năm, các doanh nghiệp trên đều có truyền thống chi trả cổ tức cao, đều đặn hàng năm. Những “con gà đẻ trứng vàng” trên sàn chứng khoán Việt Nam đem về cho các tỷ phú Thái Lan hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.


Vinamilk – bò sữa cổ tức

Cái tên trên sàn chứng khoán Việt Nam đem về cho tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi nhiều tiền cổ tức nhất là Vinamilk. Dù không chi phối nhưng nhóm F&N vẫn ăn đậm cổ tức từ Vinamilk do doanh nghiệp đầu ngành sữa vẫn đều đặn chi trả cổ tức cao khoảng 40-60% hàng năm. Kể từ khi bắt đầu gián tiếp nắm cổ phần tại Vinamilk đến nay, tỷ phú Thái Lan đã bỏ túi gần 15.000 tỷ đồng cổ tức.

Bóng dáng của tỷ phú Thái Lan bắt đầu xuất hiện tại Vinamilk sau khi TCC Holding mua lại Fraser & Neave (pháp nhân Singapore) từ năm 2013 với giá trị thương vụ lên đến 11,2 tỷ USD. Thời điểm đó, F&N Dairy Investment - công ty con của Fraser & Neave là đã là cổ đông lớn của doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt Nam.

Các thành viên thuộc Fraser & Neave đã đầu tư vào Vinamilk từ rất lâu nhưng chỉ thực sự được chú ý từ năm 2017 sau thương vụ thoái vốn của SCIC. Sau nhiều lần tăng sở hữu, nhóm cổ đông này hiện nắm giữ tổng cộng hơn 20% vốn tại Vinamilk, chỉ sau cổ đông Nhà nước (36%). Ước tính, lượng cổ phần Vinamilk trong tay người Thái hiện vào khoảng 1 tỷ USD.


Sabeco – thương vụ “đình đám” một thời

Khác với Vinamilk, thương vụ thâu tóm Sabeco của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi rầm rộ hơn nhiều. Cuối năm 2017, Vietnam Beverage (thuộc Thaibev của tỷ phú Thái Lan) đã chi đến gần 5 tỷ USD để mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB do Nhà nước thoái vốn, qua đó chính thức nắm quyền chi phối hãng bia lớn nhất Việt Nam.

Đến nay, số cổ phần trong tay Thaibev chỉ còn khoảng 1,5 tỷ USD. Dù đang tạm lỗ khoảng 3,5 tỷ USD cho khoản đầu tư này nhưng tỷ phú Thái Lan vẫn luôn thể hiện tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc khoản lỗ không phải là vấn đề quá lớn đối với Thaibev.

Bù lại, mỗi năm Sabeco đều trả cổ tức “tiền tươi” hàng nghìn tỷ đồng và phần lớn đều chảy về túi “đại gia” Thái Lan. Chỉ tính riêng cổ tức năm 2023, Thaibev đã “bỏ túi” hơn 2.400 tỷ đồng từ Sabeco. Sau hơn 8 năm thâu tóm, tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thu về tổng cộng hơn 12.000 tỷ đồng cổ tức từ hãng bia này.

Lãi đơn, lãi kép với Nhựa Bình Minh

Bên cạnh Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh cũng xứng đáng là một “con gà đẻ trứng vàng” cổ tức cho người Thái. Từ khi Nawaplastic – thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) trở thành cổ đông lớn năm 2012, chưa năm nào Nhựa Bình Minh quên chia cổ tức bằng tiền. Tổng số tiền cổ tức chảy về túi đại gia Thái Lan ước tính vào khoảng 2.300 tỷ đồng.

Sau khi trở thành cổ đông lớn, Nawaplastic vẫn miệt maì mua gom cổ phiếu BMP. Đặc biệt, sau thương vụ “ôm” trọn lô 24,13 triệu cổ phiếu BMP từ SCIC trong đợt đấu giá cổ phần hồi tháng 3/2018, “đại gia” Thái Lan hiện đã nắm quyền chi phối gần 55% vốn của doanh nghiệp đầu ngành nhựa Việt Nam.

Ước tính, Nawaplastic đã chi ra tổng cộng khoảng 2.750 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần BMP như hiện nay. Trong năm 2024 vừa qua, cổ phiếu BMP đã bứt phá mạnh và lập đỉnh lịch sử mới vào cuối năm. Cổ phiếu này sau đó đã điều chỉnh nhẹ nhưng tỷ phú Thái Lan vẫn lãi lớn với khoản đầu tư này khi số cổ phần trong tay hiện có giá trị lên đến hơn 5.600 tỷ đồng.

SCG là tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng, sản xuất bao bì, sản xuất các sản phẩm hóa dầu. Tập đoàn hiện có 27 công ty thành viên tại Việt Nam với 15.500 nhân viên, tổng đầu tư vào Việt Nam lên đến hơn 7 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án tổ hợp hoá dầu tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư khoảng hơn 5 tỷ USD; công suất thiết kế là 1,4 triệu tấn sản phẩm hóa dầu. Hiện dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành.

Ngoài những cái tên kể trên, các đại gia Thái Lan còn nắm giữ lượng lớn cổ phần của một số doanh nghiệp khác trên sàn chứng khoán Việt Nam, như trường hợp TCG Solutions Pte.Ltd – thành viên khác thuộc SCG nắm 94% vốn Sovi (SVI); Tập đoàn C.P nắm gần 25% vốn Fimex (FMC); Indorama Ventures nắm gần 98% vốn Nhựa Ngọc Nghĩa (NNG). NNG sau đó đã huỷ tư cách công ty đại chúng và rời sàn. Các doanh nghiệp này thường chỉ đem về cho người Thái vài chục tỷ đồng cổ tức mỗi năm.

Ước tính, tập đoàn của các tỷ phú Thái Lan có thể “bỏ túi” tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng (1,2 tỷ USD) cổ tức từ các doanh nghiệp đầu ngành trên sàn chứng khoán Việt Nam. Con số này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên khi Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh,… đều có kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ cao trong năm tới.

Hà Linh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long