Để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước trong năm 2025, ngay từ đầu năm, các tỉnh, thành miền Trung đã triển khai các giải pháp, các chính sách quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đề ra, đồng thời điều chỉnh nâng mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đạt tổng thu ngân sách trên 30.000 tỷ đồng năm 2025.
Thu từ khối doanh nghiệp và tiền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn
Chi cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn thành phố đạt 6.280 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 1.235 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 5.045 tỷ đồng.
Trong tổng thu NSNN, hoạt động thu nội địa tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu (88,4%), là cơ sở để thực hiện cân đối các nguồn chi cho các hoạt động trên đại bàn thành phố. Trong tổng thu nội địa, các khoản thu chiếm tỷ trọng cao gồm các khoản thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 31,4%, tăng 58,0% so với cùng kỳ năm 2024.
Tại Khánh Hoà, theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh này, tính đến ngày 27/2, thu NSNN thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 5.006 tỷ đồng, đạt 20,77% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 4.728 tỷ đồng, đạt 22,04% dự toán; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 278 tỷ đồng, đạt 10,49% dự toán. Các khoản thu nội địa tăng chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Tại Thanh Hoá, thu ngân sách nhà nước trong quý I/2025 của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 12.500 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính Thanh Hoá, các khoản thu chính của tỉnh gồm thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt hơn 313 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 2.241 tỷ đồng. Theo Sở Tài chính Thanh Hóa, các khoản thu chính của tỉnh gồm thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt hơn 313 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 2.241 tỷ đồng...
Xét về cơ cấu thu, nguồn thu từ doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng cao nhất với 32,1%, tiếp theo là thu từ đất chiếm 20,9%, công thương nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 19,4%, thuế bảo vệ môi trường chiếm 6,8% và thuế thu nhập cá nhân chiếm 5,8%.
So với cùng kỳ năm 2024, số thu ngân sách quý I/2025 của Thanh Hóa giảm 13,8%, chủ yếu là do biến động giảm của giá dầu thô thế giới và thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Triển khai nhiều giải pháp vi mô và vĩ mô
Theo Sở Tài chính Thanh Hóa, sau khi nguồn thu ngân sách quý I giảm so với cùng kỳ, để hoàn thành dự toán đề ra, trong quý II/2025 này, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu triển khai đồng bộ các biện pháp như hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu thuế từ hộ kinh doanh cá thể, khai thác tài nguyên và kinh doanh trực tuyến. Đồng thời, ngành thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiểm soát hóa đơn điện tử, ngăn chặn vi phạm, xử lý nợ đọng và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để thu hồi nợ khó thu.
Về phía tỉnh Khánh Hòa, năm 2025, Khánh Hòa được giao nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn 24.100 tỷ đồng; trong đó thu nội địa 21.450 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.650 tỷ đồng.
Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thu triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi, có nguồn thu nộp NSNN”.
Tại TP. Đà Nẵng, vừa qua HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết mới về việc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10% vào năm 2025. Đi kèm với đó, TP. Đà Nẵng cũng phấn đấu đạt tổng thu ngân sách trên 30.000 tỷ đồng...
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vĩ mô. Cụ thể, về tháo gỡ vướng mắc dự án, Đà Nẵng sẽ tập trung giải quyết khó khăn cho các dự án và doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ triển khai, tăng cường thu hút đầu tư toàn xã hội. Phấn đấu tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 50.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2024, đóng góp 0,7 - 1% vào tăng trưởng GRDP. Bên cạnh đó, UBND thành phố đang tích cực tháo gỡ các dự án tồn đọng.
“Dự kiến quý I, II/2025 khởi công nhiều dự án lớn với tổng vốn đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, như dự án Làng Vân, Tổ hợp Công viên Châu Á, các dự án của FPT, Viettel... Khu vực sân vận động Chi Lăng cũng dự kiến sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng trước 30/4/2025 để đấu giá” - ông Chinh thông tin.
Tại Quảng Bình, trên cơ sở nhận định các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong công tác phát triển quỹ đất, thu tiền sử dụng đất, mới đây UBND tỉnh này đã thống nhất giao chỉ tiêu phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2025 là 2.730 tỷ đồng, tăng 10% - tương đương 250 tỷ đồng so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao (2.730 tỷ đồng/2.480 tỷ đồng).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Phan Phong Phú, chỉ tiêu thu tiền sử dụng đất và phát triển quỹ đất năm 2025 là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Để đạt được các chỉ tiêu đặt ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thiết thực nhằm tăng thu tiền sử dụng đất ngay từ đầu năm.
Được biết, trong năm 2024, tổng thu tiền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đạt 2.566 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2023. Ông Từ Ngọc Quý - Giám đốc Quỹ Phát triển đất tỉnh Quảng Bình đánh giá, kết quả nói trên là nhờ tín hiệu ấm lên của thị trường bất động sản, các phiên đấu giá có tỷ lệ người đăng ký tham gia cao hơn, nhất là ở những dự án có mức giá khởi điểm phù hợp với nhu cầu thị trường.





