Hãy là người đầu tiên thích bài này
Các thương vụ M&A nổi bật năm 2024

Các thương vụ M&A trong năm 2024 chủ yếu tập trung ở các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như công nghệ, bất động sản và tiêu dùng.

Trong năm 2024, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam chứng kiến một làn sóng giao dịch mạnh mẽ, tạo nên không khí đầy sôi động và kỳ vọng. Các thương vụ M&A trong năm nay chủ yếu tập trung ở các ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ như công nghệ, bất động sản và tiêu dùng.
Vingroup thoái 100% vốn tại công ty sở hữu Vincom Retail
Tập đoàn Vingroup - CTCP (HoSE: VIC) gián tiếp thoái vốn khỏi Vincom Retail, nhà vận hành hơn 80 trung tâm thương mại khắp cả nước, thông qua việc chuyển nhượng 55% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển SDI cho một nhóm doanh nghiệp có trụ sở tại TPHCM. Giá trị thương vụ lên đến 982 triệu USD.
Giữa tháng 3/2024, Tập đoàn Vingroup chính thức thông qua quyết định thoái 100% vốn tại Công ty SDI, đơn vị sở hữu hơn 99% vốn của Công ty Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn của Vincom Retail. Sau khi việc thoái vốn hoàn tất, SDI, Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Vingroup.
Tại thời điểm công bố, Sado nắm giữ 40,5% vốn của Vincom Retail với 943,2 triệu cổ phiếu, còn Vingroup trực tiếp sở hữu 18,37% vốn.

 Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vingroup, ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ, việc chuyển nhượng nhằm tập trung nguồn lực vào các thương hiệu trọng điểm để phát triển đột phá trong giai đoạn mới. Dù thoái vốn, Vingroup sẽ ký hợp đồng quản lý với Vincom Retail, duy trì mô hình tổ chức và quyền lợi của khách thuê tại các trung tâm thương mại như đã cam kết.
Tính đến quý 3/2024, Vingroup đã hoàn tất việc bán 100% vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI. Giao dịch này giúp Vingroup thu về 39.100 tỷ đồng (tương đương 1,54 tỷ USD). Sau chuyển nhượng, Vingroup vẫn còn sở hữu hơn 18% Vincom Retail.
Các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn góp tại SDI từ Vingroup là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh NP, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh và Phát triển Emerald, Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Falcon, Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh và phát triển Thiên Phúc.
Đây là những doanh nghiệp có liên hệ với tập đoàn đa ngành Berjaya Corporation Berhad của Malaysia.
Với giá trị khoảng 982 triệu USD, thương vụ Vingroup thoái vốn khỏi Vincom Retail trở thành thương vụ M&A lớn nhất trong năm 2024 (tính đến thời điểm này). 

Becamex IDC bán dự án Tân Thành Bình Dương

Ở lĩnh vực bất động sản, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (HoSE: BCM) cũng đóng góp thương vụ nổi bật trên thị trường khi chuyển nhượng dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited, công ty con của CapitaLand Group (Singapore).
Thương vụ này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận vào cuối năm 2023 và thực hiện trong năm 2024.

 Ảnh minh họa 

Theo đó, Becamex IDC chuyển nhượng dự án khu đô thị và nhà ở Tân Thành Bình Dương cho Công ty TNHH Sycamore thuộc CapitaLand - một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của châu Á, có trụ sở chính tại Singapore.
Giá trị thương vụ theo công bố của Avison Young lên tới 553 triệu USD (khoảng 13.8000 tỷ đồng).

Masan Group huy động 250 triệu USD từ Bain Capital

Ngày 23/04/2024, CTCP Tập đoàn Masan (HoSE:  MSN) thông báo đã hoàn tất thành công việc huy động vốn cổ phần trị giá 250 triệu USD từ Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Bain Capital tại Việt Nam.
Theo đó, Masan tiếp nhận 6.228 tỷ đồng tiền mặt thuần từ khoản đầu tư này.

Ảnh minh họa 

Đây là khoản đầu tư vốn cổ phần dưới hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi, được phát hành với giá 85.000 đồng và sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ 1:1. Mức cổ tức cố định là 0% trong 5 năm đầu tiên. Kể từ năm thứ 6, mức cổ tức cố định là 10% mỗi năm. Vào năm thứ 10 kể từ ngày phát hành, các cổ phần ưu đãi này sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
Masan cho biết số vốn 250 triệu USD sẽ tăng cường nguồn lực, giúp gia tăng thanh khoản để đáp ứng mọi nghĩa vụ tài chính, đồng thời mang lại sự linh hoạt cho công ty trong việc triển khai các sáng kiến chiến lược. Trước đó, công ty này cho biết đang tập trung vào các công tác như giảm bớt tỷ trọng trong các mảng kinh doanh không cốt lõi, gia tăng thanh khoản và đạt được tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khẩu hao và lãi vay) bền vững dưới mức 3,5 lần.
Bain Capital thành lập năm 1984, có bề dày kinh nghiệm trong việc đầu tư để hỗ trợ sự tăng trưởng và quản trị của nhiều nhóm doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng ở châu Á, trong đó bao gồm các khoản đầu tư vào Schwan và Carver Korea. Theo Masan, thương vụ thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư vào câu chuyện tăng trưởng của thị trường tiêu dùng ở Việt Nam, cũng như khả năng của Masan trong việc hiện thực hóa cơ hội phục vụ 100 triệu người tiêu dùng trong nước. 

Keppel bán 70% vốn công ty chủ đầu tư dự án Saigon Sport City

Keppel – tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore, thông qua công ty con là Jencity đang tiến hành thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sport City – chủ đầu tư dự án cùng tên quy mô 64ha, tổng mức đầu tư 500 triệu USD, tại TP. Thủ Đức, TP HCM, vốn đã chậm tiến độ trong 6 năm qua.
Tổng giá trị thương vụ được cho là dao động trong khoảng 344 - 391 triệu đô la Singapore (tương đương 6.500 - 7.450 tỷ đồng). Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH HTV Đại Phước (sẽ mua 35%) và Công ty Cổ phần Bất động sản Vinobly (sẽ mua 35%).

Ảnh minh họa 

Bên cạnh thương vụ trên, một diễn biến đáng chú ý khác liên quan đến Keppel cũng diễn ra. Cụ thể, công ty Nhật Bản Toshin Development (thành viên Takashimaya Group) sẽ chi khoảng 46,4 triệu USD để mua gần 46,4 triệu cổ phiếu phổ thông mới của Himawari VNSC3 Pte Ltd – công ty con của Công ty Saigon Centre Investment Ltd.
Himawari VNSC3 Pte Ltd đang nắm giữ cổ phiếu ưu đãi loại C tại Keppel Land Limited và Krystal Investment Pte Ltd – 2 công ty đang nắm giữ lần lượt 68% và 16% tại Công ty TNHH Keppel Land Watco-IV và Công ty TNHH Keppel Land Watco-V – những công ty đang nắm quyền sử dụng đất đối với dự án Saigon Centre giai đoạn 3.

Gelex thoái vốn tại ba công ty con trong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

CTCP Tập đoàn GELEX (HoSE: GEX) nổi bật với thương vụ M&A trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với Sembcorp, tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và đô thị của Singapore.
Quá trình diễn ra thương vụ này là từ năm 2023. GELEX cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư cùng Sembcorp Industries. Đến năm 2024, hai bên hiện thực hóa mối quan hệ bằng việc Sembcorp Industries mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các dự án năng lượng đang vận hành thuộc Tập đoàn GELEX. Đến nay, 3/4 dự án đã hoàn tất chuyển nhượng.

 Ảnh minh họa

Ngày 19/6/2024, Sembcorp thông báo hoàn tất mua lại phần lớn cổ phần tại 3 công ty con của Gelex. Sau giao dịch, Sembcorp đã bổ sung tổng cộng 196MW công suất năng lượng mặt trời và gió đang hoạt động vào danh mục đầu tư của mình.
Bên cạnh đó, Sembcorp cũng sẽ mua 73% cổ phần của một công ty con khác trong hệ thống của Gelex. Công ty này sở hữu nhà máy thủy điện công suất 49MW. Việc hoàn tất thương vụ M&A này phù thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý, dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2024
Dù thoái vốn hàng loạt thành viên quan trọng, chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền khẳng định năng lượng vẫn là một trong những mảng đầu tư lớn của Gelex.
“Việc thoái vốn nằm trong chiến lược của tập đoàn, không phải thoái vốn hoàn toàn khỏi mảng này mà thoái vốn một phần các dự án vận hành để chọn đối tác có năng lực về tài chính, công nghệ và khả năng triển khai các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, đồng hành với Gelex trong các dự án tiếp theo”, Chủ tịch HĐQT Gelex cho biết.

Mitsui & Co, Ltd. (Mitsui) trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto

Giữa tháng 8/2024, Tasco Auto và Mitsui & Co, Ltd. (“Mitsui”) công bố đã hoàn tất thỏa thuận để Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tasco (HNX: HUT) và đồng hành cùng Tasco Auto để triển khai nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên giá trị đầu tư thương vụ này không được tiết lộ. Theo Tasco (công ty mẹ của Tasco Auto) phía Nhật sẽ giải ngân vốn thành nhiều đợt và đợt đầu tiên đã hoàn thành từ hôm 31/7.

Ảnh minh họa 

Mitsui & Co là một tập đoàn thương mại và đầu tư hàng đầu Nhật Bản, hiện có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau với hơn 53 nghìn nhân sự. Đặc biệt, lĩnh vực ô tô và vận tải là một trong những trọng tâm đầu tư của Mitsui, với hơn 100 công ty tại 26 quốc gia nằm trong danh mục đầu tư của họ.
Tasco Auto - thành viên trong hệ sinh thái của Tasco sở hữu hệ thống phân phối lớn nhất cả nước, đối tác của 14 hãng xe với 90 showroom, đóng góp khoảng 13,3% thị phần. Ngoài ra, tập đoàn này còn là nhà nhập khẩu chính hãng một số thương hiệu như Volvo (thông qua Sweden Auto), Lynk & Co (thông qua GreenLynk) và đang triển khai dự án lắp ráp xe cùng đối tác thuộc top 10 nhà sản xuất OEM toàn cầu, dự kiến ra sản phẩm vào năm 2025.
Tasco cho biết thương vụ này giúp họ tận dụng kinh nghiệm vận hành, quản trị và mạng lưới sẵn có từ đối tác. Ngược lại, Mitsui sẽ tham gia sâu hơn mảng ôtô và hạ tầng giao thông ở Việt Nam.

DB Insurance thâu tóm BSH và VNI, mở rộng thị trường bảo hiểm Việt Nam

Ngày 27/2, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH, UPCoM: BHI) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI, UPCoM: AIC) công bố chính thức hoàn tất chuyển nhượng cổ phần chi phối cho DB Insurance - tập đoàn bảo hiểm lớn từ Hàn Quốc.
DB Insurance đã nắm giữ 75% cổ phần của cả BSH và VNI, đưa hai doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ này vào danh mục đầu tư chiến lược tại Việt Nam.

Ảnh minh họa 

VNI (AIC): Trong phiên giao dịch ngày 31/1, hơn 75 triệu cổ phiếu AIC được sang tay, tương ứng với 75% vốn điều lệ. Giá trị thương vụ đạt 1.263 tỷ đồng.
BSH (BHI): DB Insurance thực hiện 21 giao dịch thỏa thuận, mua vào 75 triệu cổ phiếu BHI, với tổng giá trị 1.628 tỷ đồng.
Tổng cộng, DB Insurance chi khoảng 2.800 tỷ đồng để thâu tóm hai doanh nghiệp này.
Ngoài BSH và VNI, DB Insurance hiện cũng là cổ đông lớn của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI). Từ năm 2015, DB Insurance đã sở hữu 30 triệu cổ phiếu PTI, chiếm 37,3% vốn điều lệ.
Sự hiện diện mạnh mẽ của DB Insurance tại Việt Nam phản ánh chiến lược dài hạn của tập đoàn trong việc khai thác tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại thị trường đang tăng trưởng nhanh như Việt Nam.
Tổng giá trị của 2 thương vụ này ước tính 118 triệu USD. Đây là những thương vụ M&A tiêu biểu của ngành bảo hiểm trong năm 2024.

KIDO thâu tóm hơn 75% cổ phần Hùng Vương Plaza

Trong tháng 8/2024, KIDO đã lần lượt mua vào 39,41%; 18,64% và 17,34 cổ phần của Công ty cổ phần Hùng Vương - chủ quản trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên hơn 75%.
Sau giao dịch, sở hữu của KIDO tại Hùng Vương đạt gần 18,2 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 75,39%, qua đó nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Giá trị phần vốn đầu tư tại đây là 1.130 tỷ đồng.
Hùng Vương là chủ sở hữu trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza tại 126 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, Tp.Hồ Chí Minh. Toà trung tâm thương mại này gồm bảy tầng nổi thương mại cùng bãi giữ xe tầng hầm và ngoài trời với bốn mặt tiền đường, khoảng 200 cửa hàng và thương hiệu đang kinh doanh.
Trước khi chính thức về tay KIDO, toà Hùng Vương Plaza đã trải qua nhiều thăng trầm khi từng là một địa điểm mua sắm nổi tiếng dưới sự quản lý của Parkson. Tuy nhiên, trung tâm thương mại này đã phải đối mặt với giai đoạn dài kinh doanh ảm đạm, dẫn tới Parkson Việt Nam phải nộp đơn xin phá sản tự nguyện vào tháng 4/2023. Sau khi Parkson rời đi, trung tâm thương mại này ra mắt trở lại với tên mới là Hùng Vương Plaza, khai trương từ ngày 12/10/2023. 

Sabeco hoàn tất thương vụ thâu tóm Sabibeco

Ngày 26/12, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) đã công bố chào mua công khai thành công hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco - UPCoM: SBB).
Sau giao dịch, Sabeco nâng số cổ phiếu sở hữu lên gần 52,2 triệu cổ phiếu SBB, tỷ lệ sở hữu 59,6% vốn và trở thành công ty mẹ của Bia Sài Gòn Bình Tây. Tổng giá trị thương vụ đạt 832 tỷ đồng.

Sabibeco Group, tiền thân là Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Bình Tây, thành lập vào năm 2005 và hiện là đối tác gia công lớn nhất của Sabeco. Với 6 nhà máy thành viên và tổng công suất lên tới 600 triệu lít bia mỗi năm, Sabibeco mang đến cho khách hàng nhiều dòng bia nổi tiếng như Sagota, Saigon Lager, Saigon Special và Saigon 333 Export...
Thương vụ M&A của Sabeco là một bước đi chiến lược, không chỉ gia tăng quy mô mà còn củng cố vị thế của Sabeco trong ngành đồ uống có cồn đầy cạnh tranh.
Tổng công suất của Sabeco dự kiến sẽ tăng thêm 25,4%, đạt 3,01 tỷ lít bia/năm ngay trong năm 2024, giúp Sabeco trở thành nhà sản xuất bia có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Minh Vy-Link gốc
 

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long