Giá dầu tại thị trường châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 2/9.
Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, ngày 29/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Giá dầu tại thị trường châu Á tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 2/9, do kỳ vọng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tăng cao hơn từ tháng 10 tới. Trong khi xuất hiện các dấu hiệu về nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và Mỹ, hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, càng làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Cụ thể, chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 56 xu Mỹ, tương đương 0,7%, xuống 76,37 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 45 xu Mỹ, tương đương 0,6%, xuống 73,10 USD/thùng.
Sự sụt giảm này diễn ra sau khi giá dầu Brent giảm 0,3% và giá dầu WTI cũng mất 1,7% vào tuần trước.
Theo những nguồn tin thân cận với hãng tin Reuters, OPEC+ dự kiến sẽ tiến hành kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 10. Cụ thể, 8 nước thành viên OPEC+ dự kiến tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10, như một phần trong kế hoạch bắt đầu dỡ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng gần đây nhất là 2,2 triệu thùng/ngày.
Cả giá dầu Brent và dầu WTI đều giảm trong hai tháng liên tiếp vừa qua, do lo ngại về nhu cầu của Mỹ và Trung Quốc đã lấn át sự gián đoạn nguồn cung gần đây do bất ổn chính trị tại Libya và căng thẳng ở khu vực sản xuất dầu trọng điểm Trung Đông.
Sự bi quan hơn về tăng trưởng nhu cầu của Trung Quốc xuất hiện sau khi một cuộc khảo sát chính thức vào ngày 31/8 cho thấy hoạt động sản xuất ở nước này đã rơi xuống mức thấp nhất trong sáu tháng vào tháng 8/2024, do giá xuất xưởng giảm và số đơn đặt hàng thấp.
Ông Tony Sycamore, chuyên gia phân tích thị trường của ngân hàng IG, cho biết: “Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc, vừa được công bố vào cuối tuần trước, thấp hơn mong đợi đã làm tăng thêm lo ngại rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ không đạt được các mục tiêu tăng trưởng”.
Tại Mỹ, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng cho thấy, mức tiêu thụ dầu đã chậm lại trong tháng 6/2024, xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ đại dịch COVID-19 năm 2020.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết: “Chúng tôi tin rằng OPEC sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài trì hoãn việc chấm dứt thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện nếu họ muốn giá dầu tăng cao hơn”.
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 2/9, khi sự lạc quan về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất bị bù trừ bởi những lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc sau khi nước này công bố một vài dữ liệu kinh tế đáng thất vọng.
Số liệu hôm 30/8 cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Fed- chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - giảm như dự báo vào tháng 7/2024, qua đó củng cố dự đoán về việc ngân hàng này sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tháng Chín.
Trọng tâm của thị trường hiện đang tập trung vào báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 8/2024, dự kiến sẽ cung cấp cái nhìn tổng thể mới nhất về nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Cho dù khả năng Fed cắt giảm lãi suất đã được coi là có thể xảy ra nhưng các dữ liệu kinh tế mới nhất có thể xác định quy mô của đợt cắt giảm này.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ, giữa bối cảnh đồng yen suy yếu so với đồng USD. Chỉ số Nikkei 225 tăng 53,12 điểm, tương đương 0,14%, lên 38.700,87 điểm.
Tại Hàn Quốc, thị trường chứng khoán cũng đóng cửa với “sắc xanh” khi các nhà đầu tư đặt cược vào việc Mỹ cắt giảm lãi suất. Đồng nội tệ won của nước này cũng hạ nhẹ so với đồng USD. Chỉ số Kospi tăng 6,69 điểm, tương đương 0,25%, đóng cửa ở mức 2.681,00 điểm.
Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thị trường chứng khoán Trung Quốc lại khép phiên đầu tuần này không mấy thuận lợi khi hai sàn giao dịch chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đều đỏ sàn. Đáng chú ý, cổ phiếu của các công ty tiêu dùng và bất động sản chịu tổn thất nặng nề nhất, do dữ liệu kinh tế và hoài nghi về việc Trung Quốc có thể nới lỏng quy định về việc đi vay đảo nợ thế chấp.
Đóng cửa phiên này, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,1% xuống 2.811,04 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng giảm 1,7%, xuống mức 17.691,97 điểm.
Các thị trường cổ phiếu Sydney của Australia, Singapore, Seoul, Mumbai của Ấn Độ, Manila của Philippines, Wellington của New Zealand và Jakarta của Indonesia đều tăng. Song thị trường chứng khoán Bangkok của Thái Lan lại giảm điểm.
Giá vàng đi xuống
Giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 2/9, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ để đặt cược vào quy mô cắt giảm lãi suất của Fed, dự kiến diễn ra trong tháng này.
Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,15%, xuống mức 2.499,4 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng hạ 0,84%, xuống giữ ổn định ở mức 2.498,80 USD/ounce.
Đồng USD đạt mức cao nhất trong gần hai tuần trong phiên này, khiến vàng - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Fed dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/9. Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đánh cược 69% khả năng Fed sẽ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm và 31% khả năng Fed cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất tại cuộc họp sắp tới.
Các dữ liệu quan trọng dự kiến được công bố trong tuần này đang được thị trường chờ đợi là các cuộc khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM), cơ hội việc làm, dữ liệu về thị trường việc làm ADP và báo cáo thị trường việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 8/2024.
Giá vàng giao ngay giảm 1% trong phiên trước, sau khi dữ liệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tăng mạnh trong tháng 7/2024, đẩy lùi những dự báo về việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
Minh Trang/TTXVN (Tổng hợp)