Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) đang tập trung nguồn lực triển khai dự án nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất).
BSR và Liên danh nhà thầu FICHTNER - ITB ký hợp đồng tư vấn. Ảnh: BSR
Theo đó, Ban Quản lý Dự án nâng cấp và mở rộng Dung Quất và Liên danh nhà thầu FICHTNER - ITB đã ký hợp đồng Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ vay vốn cho dự án. Liên danh nhà thầu thực hiện hợp đồng là Công ty Fichtner GmbH & Co. KG (Fichtner) - Stuttgart (Đức) và Institute of Tropical Biology - Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) của Việt Nam.
Ông Nghiêm Đức Dương, Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Trưởng ban QLDA nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất cho biết, Dự án đang triển khai theo đúng kế hoạch. Để có cơ sở tiếp cận các nguồn vốn vay ECAs (tín dụng hỗ trợ xuất khẩu) từ các tổ chức tín dụng quốc tế, BSR phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó có thể tiếp cận các nguồn vốn vay giá trị cao, lãi suất tốt phục vụ dự án.
Năm 2024, Ban QLDA nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất đã triển khai các nhiệm vụ chính và đạt các kết quả tích cực như ký hợp đồng Tư vấn thiết kế kỹ thuật điều chỉnh (FEED). Đến nay, tiến độ tổng thể công tác thiết kế FEED đạt 35,3% khối lượng công việc. Ban QLDA cũng đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp bản quyền công nghệ với các nhà bản quyền của Pháp, Mỹ, Italia, Hà Lan cho các phân xưởng công nghệ bản quyền của dự án. BSR, Tư vấn FEED và các nhà bản quyền cũng đã họp khởi động triển khai hợp đồng. Hiện nay, các nhà bản quyền đang triển khai thiết kế công nghệ bản quyền, bảo đảm đồng bộ với triển khai thiết kế FEED.
Trong năm 2025, Ban QLDA nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất phấn đấu đạt các mốc tiến độ chính như thẩm định, phê duyệt thiết kế FEED; phê duyệt hồ sơ mời thầu EPC; tổ chức lựa chọn nhà thầu EPC và san lấp mặt bằng.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho việc triển khai Dự án, Petrovietnam-Công ty Mẹ của BSR vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho BSR lên hơn 50 nghìn tỷ đồng và phương án này đang được trình lên cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: A.N/BNEWS
Với phương án này, BSR sẽ tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, với tổng tỷ lệ chia thưởng là 61,5%. Sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ, BSR đảm bảo đủ nguồn vốn chỉ từ 40 - 60% tổng mức đầu tư của dự án này. Phần vốn vay (dự kiến khoảng 40-60%) sẽ được thu xếp từ nguồn vay ECA, thương mại trong nước và quốc tế, trái phiếu xanh cũng như các nguồn vốn phù hợp, khả thi khác.
Như vậy, nhu cầu vốn chủ sở hữu cho Dự án nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất theo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Dự án (chưa bao gồm các dự án mua sắm tài sản cố định và đầu tư khác) là 21.838 - 29.112 tỷ đồng tùy thuộc vào khả năng thu xếp vốn vay.
Theo Chủ tịch BSR Bùi Ngọc Dương, việc tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất - dự án quan trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư để nâng công suất sản xuất của nhà máy lên 171 nghìn thùng/ngày; đồng thời, giúp sản phẩm của nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn Euro V, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việc tăng vốn điều lệ cũng giúp BSR hiện thực hoá chiến lược phát triển dài hạn của BSR đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Việc tăng vốn đã được Đại hội đồng cổ đông BSR thông qua, trên cơ sở Nghị quyết 1575/NQ-BSR ngày 23/5/2024 và Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định vốn điều lệ hiện tại của BSR chưa bao gồm vốn cho Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đặc biệt, vào ngày 17/1 tới đây, hơn 3,1 tỷ cổ phiếu BSR sẽ chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE). Theo đánh giá mới của Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), việc cổ phiếu BSR chuyển sang niêm yết trên HoSE giúp nâng cao tính minh bạch, thương hiệu, khả năng tiếp cận vốn và thu hút thêm các nhà đầu tư chiến lược. Đây cũng là cơ hội tốt để cổ phiếu BSR có thể lọt rổ chỉ số VN30 nếu đáp ứng được các điều kiện về tỉ lệ cổ phiếu sẵn sàng/tự do chuyển nhượng trên thị trường (tỷ lệ free-float), thanh khoản, khối lượng giao dịch, giá trị giao dịch và vốn hóa trung bình 12 tháng gần nhất.
Dự án nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất, có tổng mức đầu tư 1,49 tỷ USD với mục tiêu nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn Euro V; phù hợp tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ. Đồng thời, Dự án này sẽ nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và tăng hiệu quả cho Nhà máy. Theo kế hoạch, Dự án nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất sẽ đi vào vận hành từ quý III/2028 và đây sẽ là cơ hội để gia tăng lợi nhuận cho BSR.
Bình luận (3)