Tính đến phiên giao dịch ngày 17/5, cổ phiếu BCM - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC Corp) đã tăng mạnh lên 14% chỉ trong vòng 1 tháng.
Cổ đông Nhà nước chuẩn bị thoái vốn tại BCM
Cổ phiếu BCM lên giao dịch trên UPCoM từ 2018 và chuyển sang niêm yết trên HoSE từ tháng 8/2020. Hiện tại, thị giá BCM đang dừng ở mức 58.800 đồng/cp, tăng gần 14% sau một tháng nhưng vẫn thấp hơn 6,5% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường của BCM tương ứng đạt gần 61.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 426/QĐ-TTg về việc phê duyệt tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Công ty Cổ phần (BCM) đến năm 2025.
Quyết định nêu rõ việc phê duyệt tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại BCM giảm từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức nắm giữ trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025.Bãi bỏ nội dung về kế hoạch sắp xếp đối với BCM (số thứ tự 29) thuộc Mục 2 Kế hoạch giữ nguyên phần vốn nhà nước tại Phụ lục III về Kế hoạch thực hiện thoái vốn và giữ nguyên phần vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn.
BCM được biết đến là "trùm" khu công nghiệp đất Bình Dương, đồng thời cũng là nhà phát triển hạ tầng lớn ở Việt Nam. Với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha đang trực tiếp vận hành, BCM là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc.
Ngoài ra, BCM còn tham gia liên doanh với doanh nghiệp Singapore để thành lập Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP, Becamex IDC sở hữu 49% vốn). VSIP là nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp tại Việt Nam bao gồm 12 dự án trên cả nước với tổng diện tích hơn 10.000 ha.
Hiện BCM có 23 công ty thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng, cảng, giáo dục, y tế… Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC), Becamex IJC (IJC), Becamex ACC (ACC), Becamex BCE (BCE)…
Báo cáo tài chính cho thấy kết quả kinh doanh quý I/2024 BCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 812 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ 2023. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, BCM báo lãi sau thuế 119 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước đó, lãi ròng đạt 118 tỷ đồng.
Đánh giá về BCM, Công ty Chứng khoán MBS cho biết, trong 03 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng và dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao với vốn đăng ký đạt 4,3 tỷ USD (+39% ). Do đó, MBS kỳ vọng sản xuất phục hồi giúp dòng vốn đầu tư sản xuất tại khu vực phía Nam tăng trở lại, qua đó doanh thu mảng khu công nghiệp (KCN) của BCM trong năm 2024 có thể đạt 1.696 tỷ đồng (+30%), diện tích cho thuê đạt 42 ha. Ngoài ra, dự án KCN Cây Trường đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch 1/2000. MBS kỳ vọng dự án sẽ được cấp phép đầu tư và cho thuê đất vào năm sau. Giá thuê đất KCN ngang bằng với KCN Bàu Bàng, khoảng 140-160 USD/m2, dự phóng doanh thu cho thuê năm 2025 đạt 848 tỷ, theo đó doanh thu mảng KCN của BCM có thể đạt 2,751 tỷ đồng (+62%) trong năm 2025.
Ngoài ra, một số dự án tại Bắc Ninh, Nghệ An, Cần Thơ và Quảng Trị của BCM do VSIP quản lý sẽ cho thuê được 100 – 150 ha/năm, giá thuê tăng trưởng 8-15%/năm (tuỳ từng khu vực) giúp lợi nhuận năm 2024-2025 của BCM lần lượt đạt 1.886 tỷ đồng (+12% ) và 2.721 tỷ đồng (+44%), theo đó lợi nhuận thuộc về BCM đạt 924 tỷ đồng. Tuy nhiên MBS lưu ý hiện tỷ lệ vay nợ cao, bao gồm áp lực trả nợ trái phiếu năm 2024-2025. Do đặc thù phát triển nhiều dự án cùng lúc nên trong thời gian qua BCM đã huy động vốn lớn. Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của BCM đạt 19.738 tỷ đồng (vay ngắn hạn 9,384 tỷ đồng, vay dài hạn 10,353 tỷ đồng) tăng 24% so với đầu năm, trong đó giá trị trái phiếu phát hành tại thời điểm cuối năm đạt 11.906 tỷ đồng, tăng 1.585 tỷ đồng so với đầu năm.
Như vậy, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của BCM đạt 103%, cao hơn so với trung bình ngành. Sang giai đoạn năm 2024-2025, MBS cho rằng nợ vay giảm nhẹ nhờ thanh toán các khoản nợ đến hạn (năm 2024: 2.700 tỷ đồng, năm 2025 là 1.500 tỷ đồng), tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu duy trì ở mức 96% và 95%. Tổng nợ vay lần lượt đạt 18.659 tỷ đồng và 19.438 tỷ đồng, chi phí lãi vay (bao gồm cả phần lãi được vốn hoá) là 2.016 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng.
Phần lớn nguồn tiền trả nợ vay đến từ chuyển nhượng dự án bất động sản (BĐS) và cổ tức nhận từ công ty thành viên, do đó áp lực từ chi phí tài chính có thể là động lực để BCM tiếp tục thực hiện các thương vụ chuyển nhượng dự án. Tuy vậy, nhà đầu tư cần lưu ý những rủi ro thanh toán trái phiếu khi tiến độ các dự án KCN bị chậm triển khai, thị trường BĐS ảm đạm kéo dài.
Bình luận (6)
NN rời ở đâu ở đó cây cối xanh chồi nảy lộc