Bamboo Capital tiên phong đầu tư vào năng lượng tái tạo thông qua BCG Energy, với mục tiêu dẫn đầu xu hướng năng lượng sạch và góp phần vào tương lai bền vững của Việt Nam.
Theo đuổi chiến lược đầu tư đa ngành có trọng tâm, Bamboo Capital kiên trì xây dựng hệ sinh thái khép kín gồm các lĩnh vực kinh doanh mà Tập đoàn có thế mạnh và kinh nghiệm, có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau như năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng – hạ tầng, dịch vụ tài chính – bảo hiểm, sản xuất – dược phẩm.
Trong các mảng kinh doanh đó, Bamboo Capital xác định năng lượng tái tạo là trụ cột chiến lược trong hành trình đưa công ty thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Hướng đến sự phát triển bền vững và góp phần vào quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, Bamboo Capital đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng tái tạo thông qua công ty thành viên BCG Energy. Đây là đơn vị chủ chốt, quân bài chiến lược trong việc phát triển, đầu tư và vận hành các dự án năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện rác và nghiên cứu nhiều hình thức năng lượng tái tạo khác.
BCG Energy hiện thực hóa tầm nhìn năng lượng tái tạo của Bamboo Capital
BCG Energy đã có những bước tiến lớn trong thời gian qua khi thuộc top 3 công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Việt Nam. Đóng góp vào sự thành công đó có thể kể đến dự án điện mặt trời BCG Long An 1 công suất 40,6 MW, BCG Long An 2 công suất 100,5 MW và BCG Vĩnh Long công suất 49,3 MW đã đi vào hoạt động. Đặc biệt nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ với công suất 330 MW là nhà máy điện mặt trời lớn nhất của BCG Energy, tạo ra sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh/năm, tương đương mức sử dụng của khoảng 200.000 hộ dân, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng hàng trăm nghìn tấn CO2 hàng năm. Ngoài ra BCG Energy cũng phát triển các dự án điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp và khu dân cư, mang lại nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Song song đó, BCG Energy đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo khác bao gồm các dự án điện gió tại Cà Mau, Sóc Trăng và Trà Vinh, với công suất dự kiến đạt 550 MW sau khi hoàn thành. Đặc biệt, trong quý 3 vừa qua, BCG Energy đã đánh dấu cột mốc quan trọng khi chính thức khởi công nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2025 với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 6.400 tỷ đồng, công suất đốt rác từ 2.000-2.600 tấn mỗi ngày, tương ứng với công suất phát điện đạt 60 MW. Sản lượng điện phát lên lưới ước tính đạt 365 triệu kWh/năm, đáp ứng nhu cầu điện cho khoảng 100.000 hộ dân và giảm phát thải khoảng 257.000 tấn CO2 mỗi năm.
Cơ hội từ mục tiêu net zero và chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết tại COP26. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. BCG Energy, với vai trò tiên phong trong lĩnh vực này, đã tận dụng hiệu quả các chính sách như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị sản xuất điện tái tạo và các ưu đãi về quyền sử dụng đất.
Ngoài các ưu đãi tài chính, Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng cải thiện hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, kết nối vào mạng lưới điện quốc gia. Chính Phủ cũng đã ban hành Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA). Ngoài ra, Nghị định số 135 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ cũng vừa được ban hành vào tháng 10/2024. Các chính sách này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam mà còn mang đến thời cơ lớn cho các doanh nghiệp năng lượng như BCG Energy và còn mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế tham gia đầu tư.
Nhờ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam và vận hành hiệu quả các nhà máy năng lượng, trong 6 tháng đầu năm 2024, BCG Energy đã ghi nhận doanh thu hơn 689 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, hoàn thành 59% kế hoạch lợi nhuận cả năm. So với cùng kỳ năm 2023, doanh thu thuần tăng gần 22%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gấp 33 lần. Đóng góp vào kết quả này là sản lượng điện đạt 416,5 triệu kWh, tăng 30% so với năm trước, nhờ vào việc vận hành thương mại giai đoạn 2 của Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ từ tháng 6/2023. Cùng với đó, các nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời áp mái cũng ghi nhận hiệu suất cao, đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng thần tốc của BCG Energy.
Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, một cột mốc quan trọng khác là việc BCG Energy chính thức đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán BGE. Với vốn điều lệ 7.300 tỷ đồng, tương đương 730 triệu cổ phiếu, việc đăng ký giao dịch không chỉ giúp công ty huy động thêm nguồn vốn để mở rộng các dự án năng lượng tái tạo mà còn khẳng định tính minh bạch và tiềm năng phát triển bền vững.
Bình luận (7)