Việc Bamboo Capital chính thức bước vào lĩnh vực điện rác là minh chứng cho cam kết xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024 với chủ đề "Từ Kế hoạch đến Hành động" với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn.
Năm nay, Diễn đàn tập trung xây dựng nền tảng cho việc triển khai Kế hoạch Hành động Quốc gia về Kinh tế Tuần hoàn (NAPCE) sắp tới, mở đường cho Việt Nam tiến tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2030.
Nhận được lời mời từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để tham dự tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2024 lần này, TS.Hoàng Trung Thành - Thành viên HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc BCG Energy đã tham gia với vai trò diễn giả trong phiên đối thoại về thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Phiên thảo luận có sự góp mặt của đại diện từ cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp bao gồm bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; bà Fleur Gribnau - Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam; ông Dennis Quennet - Giám đốc chương trình Phát triển kinh tế bền vững, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ); ông Vũ Minh Đức - Cố vấn cấp cao, Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam; bà Đoàn Anh Thư - Chuyên gia cố vấn, Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW); ông Huỳnh Tiến Dũng - Giám đốc quốc gia, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững - IDH…
Theo ban tổ chức, đây là cơ hội để các bên cùng nhau chia sẻ góc nhìn, thảo luận về cơ hội, thách thức cũng như nguồn lực cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2024 phản ánh vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại sự kiện, TS.Hoàng Trung Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến kinh tế tuần hoàn. Với kinh nghiệm trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bất động sản và tài chính, Bamboo Capital đã tiên phong tích hợp các giải pháp thân thiện với môi trường vào chiến lược kinh doanh.
Với việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện rác; tối ưu hóa vật liệu xây dựng và áp dụng công nghệ số, Bamboo Capital kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
TS.Hoàng Trung Thành cũng chỉ ra rằng biện pháp đốt rác phát điện (điện rác) là một giải pháp hiệu quả trong việc xử lý rác thải, đặc biệt trong bối cảnh lượng rác thải tại các đô thị gia tăng nhanh chóng do quá trình đô thị hóa và tăng trưởng dân số. Tình trạng này dẫn đến lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng hàng năm, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm.
TS.Hoàng Trung Thành - đại diện Tập đoàn Bamboo Capital (giữa) khẳng định, kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng, mà là giải pháp tất yếu để bảo vệ tài nguyên và thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo số liệu của Cục Kiểm soát Ô nhiễm Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023 Việt Nam phát sinh khoảng 19 triệu tấn rác thải, trong đó rác thải đô thị chiếm 12,8 triệu tấn. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày phát sinh lần lượt hơn 6.000 tấn và 9.500 tấn rác thải, với tỷ lệ chôn lấp lên tới 90% và 69%. Việc chôn lấp không chỉ gây áp lực lớn lên hệ thống xử lý rác mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường và các vấn đề xã hội cấp bách.
Trong bối cảnh đó, TS.Hoàng Trung Thành khẳng định, khi việc phân loại rác còn nhiều khó khăn, phát triển điện rác với công nghệ cao, quy trình khép kín, xử lý nghiêm ngặt và tái sử dụng phụ phẩm là một giải pháp cấp thiết.
Tháng 1/2024, Tập đoàn Bamboo Capital hoàn tất thương vụ M&A với công ty Tâm Sinh Nghĩa, chính thức tiến vào lĩnh vực điện rác. Chỉ sau đó 6 tháng, vào tháng 7/2024, nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa được khởi công, ứng dụng công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý hiện đại, đảm bảo tối ưu hóa hiệu quả tái chế và giảm thiểu tác động môi trường.
Bên cạnh đó, Bamboo Capital còn xây dựng một hệ sinh thái tuần hoàn bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty thành viên. Cụ thể, xỉ và tro còn lại từ quá trình đốt rác sẽ được công ty Tracodi – một thành viên của Bamboo Capital – tái chế thành gạch xây dựng.
Các sản phẩm không chỉ được sử dụng trong các công trình xây dựng của Tracodi mà còn được dùng trong các dự án bất động sản của BCG Land. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp mà còn tối ưu hóa tài nguyên tái chế trong nội bộ tập đoàn.
Đồng thời, bằng công nghệ hiện đại mà Bamboo Capital đang ứng dụng, tro bay được xử lý toàn diện thông qua nhiều hệ thống lọc và trung hòa hóa chất để loại bỏ độc tố, trong khi nước thải cũng được tái chế trở lại hệ thống làm mát. Với quy trình này, chỉ còn khoảng 3-5% lượng chất thải ban đầu cần được xử lý cuối cùng tại các bãi chôn lấp an toàn.
Cách tiếp cận này cho thấy Bamboo Capital không chỉ tham gia vào lĩnh vực đốt rác phát điện mà còn tích hợp các giải pháp tái chế vào mọi khía cạnh của chuỗi giá trị. Sự phối hợp đồng bộ giữa giữa các công ty thành viên là minh chứng cho cam kết xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bền vững, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Bên cạnh đó, TS.Hoàng Trung Thành nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong các hoạt động tái chế và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại và quản lý rác thải là một yếu tố thiết yếu để tạo nên thay đổi bền vững. Tập đoàn Bamboo Capital hiện đang tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả tại Việt Nam.
PV
Bình luận (17)