CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (Mã: BCE) ghi nhận kết quả kinh doanh Quý 2/2024 lỗ 11,6 tỷ đồng. Doanh thu mảng bất động sản (BĐS) của công ty không còn ghi nhận trên BCTC.
Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE) lỗ 16,3 tỷ đồng nửa đầu năm
CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (Mã: BCE) được thành lập từ năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu chỉ gần 7 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các tòa nhà sản xuất, nhà kho, cấu trúc giao thông và đường phố...
Trong Quý 2/2024, Xây dựng và Giao thông Bình Dương ghi nhận doanh thu thuần đạt 16,6 tỷ đồng, giảm 41,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng và bán hàng hóa, thành phẩm.
Xây dựng và Giao thông Bình Dương (BCE) thua lỗ 11,6 tỷ đồng trong Quý 2, không còn doanh thu từ BĐS (Ảnh TL)
Phần doanh thu từ hoạt động BĐS trong kỳ không ghi nhận, trong khi cùng kỳ vẫn mang lại hơn 7,2 tỷ đồng. Điều này gây sụt giảm đáng kể doanh thu của BCE.
Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh dưới giá vốn đang xảy ra, giá vốn hàng bán ghi nhận 17,7 tỷ đồng, cao hơn doanh thu. Kết quả BCE ghi nhận lỗ gộp 1,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính.
Đang kinh doanh dưới giá vốn, BCE còn phải chi trả thêm các chi phí hoạt động trong kỳ. Bao gồm chi phí tài chính 1,1 tỷ đồng, chi phí bán hàng 167 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 8,6 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, Xây dựng và Giao thông Bình Dương ghi nhận lỗ sau thuế 11,6 tỷ đồng. Khoản lỗ này cao gấp 6,8 lần so với cùng kỳ.
Tính đến hết Quý 2/2024, lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm của Xây dựng và Giao thông Bình Dương đạt 27,2 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lũy kế trong nửa đầu năm lên tới 16,3 tỷ đồng, cao gần gấp đôi cùng kỳ năm 2023.
Lỗ lũy kế 54,9 tỷ gây âm vốn chủ sở hữu
Tại cuối Quý 2/2024, tổng tài sản của BCE ghi nhận 580,8 tỷ đồng, giảm tới 106,8 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm gần một nửa, còn 18,8 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 350 tỷ đồng xuống còn 298 tỷ đồng trong kỳ. Hàng tồn kho không biến động quá nhiều, ghi nhận ở 40,2 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản dài hạn, khoản phải thu dài hạn của khách hàng cũng giảm từ 86,9 tỷ đồng xuống còn 43,1 tỷ đồng. Giá trị tài sản cố định ghi nhận 66,1 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với đầu năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, BCE đang có sự chuyển dịch, giảm nợ vay so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, nợ phải trả BCE giảm từ 354,2 tỷ đồng xuống còn 262,2 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ giảm 26%. Trong đó, chủ yếu ghi nhận giảm ở chỉ tiêu nợ vay ngắn hạn.
Trong 6 tháng đầu năm, các khoản nợ vay ngắn hạn của BCE đã giảm từ 111,7 tỷ xuống còn 45,3 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận khoản vay dài hạn nào trên BCTC.
Nguồn vốn chủ sở hữu ngược lại ghi nhận ở 318,6 tỷ đồng. Trong đó vốn góp chủ sở hữu ban đầu là 350 tỷ đồng. Như vậy, sau một thời gian dài kinh doanh thua lỗ, BCE đang phải ghi nhận tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Khoản lỗ sau thuế chưa phân phối trong kỳ ghi nhận lên tới 54,9 tỷ đồng. Trong đó riêng hoạt động kinh doanh kỳ này đã làm tăng số lỗ lên thêm 16,3 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh vẫn tích cực nhờ các khoản phải thu
Dù kinh doanh trong Quý 2 thua lỗ nhưng điểm sáng trên BCTC của BCE vẫn hiện hữu ở dòng tiền mặt. Ghi nhận lượng tiền lớn thu về từ các khoản phải thu trong kỳ đã giúp công ty duy trì được dòng tiền kinh doanh.
Cụ thể, chỉ tiêu về tăng giảm các khoản phải thu trên dòng tiền hoạt động kinh doanh ghi nhận 101,9 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty chỉ chi ra gần 3 tỷ đồng cho hàng tồn kho, trả tiền các đối tác hết 31,8 tỷ đồng cùng lỗ từ kinh doanh 16,3 tỷ đồng.
Kết quả dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của BCE dương tới 49,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn đang âm 8,7 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư không có ghi nhận gì đáng kể cho thấy BCE đang duy trì hoạt động kinh doanh vốn có, không có sự đầu tư mở rộng nào đáng kể. Đồng thời lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính âm 66,3 tỷ đồng cho thấy công ty đang tăng cường trả các khoản nợ vay cũ.
Bình luận (1)