Ngân hàng này đã thay 9 Chủ tịch trong vòng 10 năm.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa có báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm 2024.
Theo đó, mặc dù trong năm vừa qua, nền kinh tế có nhiều khó khăn và thách thức nhưng Eximbank không chỉ giữ vững sự ổn định mà còn vươn lên bứt phá với những kết quả kinh doanh nổi bật.
Lợi nhuận đạt 4.188 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục của Eximbank trong 35 năm phát triển của ngân hàng.
Tổng tài sản tăng trưởng 18,9%, đạt 239.532 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 19,72%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 110,1% so với năm 2023, đạt 1.080 tỷ đồng, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 38,7%, đạt 674 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngân hàng kiểm soát tốt các chỉ số an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước diễn biến phức tạp của nền kinh tế.
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn duy trì quanh mức 24% - 25%, thấp hơn so với mức giới hạn của NHNN tối đa 30%; tỷ lệ LDR duy trì quanh mức 82 - 84% so với quy định NHNN là 85%; tỷ lệ an toàn vốn CAR dao động quanh ngưỡng 12%-13%, cao hơn mức quy định của NHNN là 8%.
Eximbank cho biết để có được kết quả này là do ngân hàng đã tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, tập trung cơ cấu danh mục cho vay theo hướng an toàn và hiệu quả, đặc biệt ở các phân khúc khách hàng SME, cá nhân, và các nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
Đồng thời, Eximbank chủ động khai thác cơ hội từ thị trường mới và thị trường ngách, nơi ngân hàng có lợi thế cạnh tranh, và đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thanh toán, kinh doanh ngoại hối, vàng và xử lý nợ xấu hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ chi phí vận hành và ứng dụng công nghệ hiện đại đã góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực phục vụ khách hàng.
Một trong những dấu mốc đáng chú ý của Eximbank trong năm 2024 là được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt tăng vốn điều lệ lên 18.688 tỷ đồng. Đây là bước tiến quan trọng, giúp ngân hàng củng cố năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo thông lệ quốc tế.
Trong năm 2024, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã tăng hạn mức tài trợ thương mại lên 115 triệu USD. Đặc biệt, Eximbank đã thành công gọi vốn quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu cấp 1 theo hình thức riêng lẻ, kỳ hạn 5 năm và không có tài sản đảm bảo.
Ông Nguyễn Cảnh Anh
Eximbank là ngân hàng liên tục có sự biến động nhân sự cao cấp. Cách đây ít lâu, ngân hàng này đã có quyết định thông qua việc miễn nhiệm hai Phó Tổng Giám đốc. Sau quyết định miễn nhiệm trên, Ban tổng giám đốc của Eximbank sẽ còn lại 4 thành viên gồm: Ông Nguyễn Hoàng Hải là Quyền Tổng giám đốc và 3 Phó tổng giám đốc là ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, ông Nguyễn Hướng Minh.
Trước đó, Trưởng Ban kiểm soát của Eximbank, ông Ngo Tony, vừa bị miễn nhiệm tại cuộc họp bất thường vào cuối tháng 11/2024, theo đề xuất của một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn.
Hồi tháng 4/2024, ngân hàng này cũng đã thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Nguyễn Cảnh Anh được bầu vào HĐQT nhà băng này trong phiên họp bất thường cuối năm 2023. Đây cũng là vị Chủ tịch thứ 9 của ngân hàng trong vòng 10 năm qua.
Theo kế hoạch, Eximbank sẽ triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào 26/2/2025 để bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 và thông qua sửa đổi điều lệ ngân hàng.
Bình luận (3)