Do tổng chi phí bồi thường khách hàng ảnh hưởng cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) tăng mạnh, nhiều công ty bảo hiểm ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm sâu, thậm chí là thua lỗ.
Nhân viên bảo hiểm giám định tổn thất tại cơ sở kinh doanh của khách hàng do bão số 3.
Lợi nhuận quý III/2024 của 6/12 công ty bảo hiểm (toàn bộ là phi nhân thọ) giảm mạnh 69,3% so với cùng kỳ và giảm 70,1% so với quý II/2024.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ như: Công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 46,1% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 43,2% so với quý trước, chủ yếu do chi phí dự phòng bồi thường tăng cao.
Tương tự, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (AIC) báo lỗ sau thuế hơn 39 tỷ đồng trong quý III, vì chi phí bồi thường sau bão số 3 tăng mạnh. Báo cáo cho thấy, tổng chi bồi thường trong quý vừa qua của AIC là hơn 227 tỷ đồng. Tính tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm là 493 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không chỉ doanh thu tài chính trong kỳ sụt giảm mà chi phí bồi thường cũng tăng cao do ảnh hưởng của bão Yagi. Tổng chi bồi thường bảo hiểm trong quý III ở mức 210,8 tỷ đồng, tăng 44%. Ngoài ra, AIC còn chi hơn 302 tỷ đồng cho các hoạt động khác, khiến Công ty lỗ trước thuế 44 tỷ đồng, lỗ sau thuế 39 tỷ đồng. Riêng khoản lỗ quý III đã khiến toàn bộ lợi nhuận dương của 6 tháng đầu năm 2024 của AIC biến mất. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp bảo hiểm này lỗ hơn 20 tỷ đồng, khó đạt được mục tiêu lợi nhuận 40 tỷ cả năm 2024 đã đề ra trước đó.
Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm mạnh 42% so với cùng kỳ trong quý III, nguyên nhân chính là tổng chi phí bồi thường tăng 24% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động khác cũng tăng cao 15%. Do đó, dù doanh thu phí bảo hiểm tăng hơn 7% so với cùng kỳ, đạt 1.052 tỷ đồng trong quý III.
Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) vừa báo cáo kỳ kinh doanh quý III/2024 thua lỗ với mức lỗ 16 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái ABIC lãi 56,9 tỷ đồng. Trong kỳ kinh doanh này, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của ABI đạt 538 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại lên tới 465 tỷ đồng, tăng 56%. Trong đó, tổng chi bồi thường bảo hiểm quý III năm nay là 293 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức chi cùng kỳ.
Công ty cho biết, trong quý III vừa qua, chi phí kinh doanh bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại tăng 141 tỷ đồng, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến Công ty bị lỗ.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc ABIC, Công ty ghi nhận số lượng khách hàng bị thiệt hại lên tới gần 600 vụ với số tiền dự kiến bồi thường là gần 400 tỷ đồng. Sau khi bão đi qua, ABIC đã thành lập 15 đoàn đi khảo sát các địa bàn, tiếp cận các khách hàng để thực hiện công tác ghi nhận tổn thất và giám định ngay tại hiện trường; đồng thời huy động lực lượng từ miền Trung, miền Nam ra, cùng phối hợp với các công ty giám định độc lập để thực hiện công tác bồi thường.
“Với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác thì đây chưa phải là lớn, nhưng đối với chúng tôi thì chưa khi nào bị tổn thất lớn như thế”, ông Phong cho biết.
Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến ngày 16/10, số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm tạm ứng chi trả bồi thường do bão số 3 mới đạt 213 tỷ đồng trên tổng số 12.811 tỷ đồng.
Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang đẩy nhanh công tác giám định, xác định giá trị thiệt hại đối với các tài sản kỹ thuật, lên dự toán để đưa vào sửa chữa, thay thế, từ đó sẽ có tạm ứng theo từng thời kỳ, sau đó mới trả đầy đủ theo đúng cam kết.
Do vậy, thời gian chi trả bồi thường có độ trễ, có nghĩa chi phí bồi thường có thể tăng cao trong tháng cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, tiếp tục ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bảo Ngọc