Chỉ sau chưa đầy một năm, bảng xếp hạng ROE của các ngân hàng thương mại đã biến động và phân hóa mạnh. Trong nhóm ngân hàng lớn, HDBank tiếp tục giữ vững ngôi đầu, MB bám sát ACB, trong khi các ngân hàng như Vietcombank, Techcombank và VPBank được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ.
ảnh minh hoạ
Cuối năm 2023, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam chứng kiến sự bám sát quyết liệt về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giữa bộ ba dẫn đầu gồm ACB, HDBank và VIB, cùng đạt trên 24%.
Tuy nhiên, đến kỳ báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2024 vừa qua, bảng xếp hạng này đã thay đổi chóng mặt; phân hóa lớn đã thể hiện rõ ngay trong nhóm NHTM hàng đầu. Theo đó, dự báo bức tranh hiệu quả ROE chốt lại năm 2024 dự báo sẽ ghi nhận những biến động lớn.
Dữ liệu được người viết tổng hợp từ báo cáo tài chính (BCTC) gần nhất (quý 3/2024) cho thấy ROE của nhiều ngân hàng đã giảm từ xu hướng trong năm 2023; tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định.
Liên tục duy trì ROE thuộc top đầu toàn ngành nhiều năm qua ở mức cao 24-25%, HDBank tiếp tục giữ vị trí số 1 với ROE đạt 26,7% tại kỳ vừa cập nhật, tăng mạnh từ 24,2% cuối năm 2023, nhờ tăng trưởng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 đạt 46,6% so với cùng kỳ 2023. Đây là ngân hàng lớn duy nhất giữ vững và bền bỉ gia tăng hiệu quả ROE, nhờ đầu tư vào công nghệ và chiến lược số hóa tạo không gian tăng trưởng mới, thị phần mở rộng sau khi mạng lưới đã phủ khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.
ACB đứng thứ 3 với ROE đạt 21,8%, giảm so với mức 24,8% cuối năm 2023 do lợi nhuận tăng trưởng chậm. MB xếp thứ 4, bám sát ACB với ROE 21,4%. Hiện tại, chỉ có HDBank, ACB và MB duy trì được ROE trên 20%, trong khi các ngân hàng lớn khác như Vietcombank, BIDV và Techcombank đang tiếp cận mốc này và được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn.
Trong đó, Techcombank đang ghi nhận sự phục hồi ấn tượng với lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2024 tăng 33,5%, ROE đạt 17,7%; còn VPBank cũng đang nỗ lực trở lại, ROE tăng từ 7,1% lên 10,4% trong cùng kỳ dữ liệu.
Trên thị trường chứng khoán, ROE luôn được các nhà đầu tư quan tâm, bởi nó phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ phần của cổ đông (hay trên giá trị tài sản ròng hữu hình). Chỉ số này là thước đo chính xác nhất để đánh giá một đồng vốn bỏ ra và tích lũy được tạo ra bao nhiêu đồng lời.
ROE thường được các nhà đầu tư phân tích để so sánh với các cổ phiếu cùng ngành, từ đó tham khảo khi quyết định mua cổ phiếu của công ty nào. Tỷ lệ ROE càng cao càng chứng tỏ hiệu quả sử dụng đồng vốn của cổ đông, cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
Cùng với ROE, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) cũng vô cùng quan trọng trong mắt nhà đầu tư, cũng như với chính các NHTM. Bởi nó cho thấy hiệu quả của các ngân hàng trong việc sinh lời từ tài sản; phản ánh chiến lược hoạt động có đúng hướng, hiệu quả hay không.
Dữ liệu thống kê cho thấy, ROA bình quân toàn hệ thống NHTM Việt Nam đã tăng từ 1,4% trong năm 2021 lên 1,6% năm 2022. Tuy nhiên, theo số liệu được người viết tổng hợp từ BCTC các ngân hàng, tỷ lệ ROA đã có xu hướng giảm trong năm 2023 tại nhiều nhà băng, tương tự với ROE.
Bảng xếp hạng tính đến quý 3/2024 cho thấy, Techcombank vẫn giữ vị trí số 1 về ROA khi đạt 2,8%, dù giảm nhẹ sau khi từng lập kỷ lục trên 3% những năm trước.
Ở vị trí thứ 2 bảng xếp hạng, MB, HDBank và ACB đều đạt ROA ngang ngửa ở 2,2% và cùng vượt trội so với mức bình quân toàn ngành từ 1,4-1,6% những năm gần đây. Đây cũng là nhóm ngân hàng lớn top đầu cả về ROE, cho thấy chiến lược hoạt động đang đúng hướng và hiệu quả.
Bình luận (5)