Đầu tư cổ phiếu MWG, STB, NKG không hiệu quả song chính khoản lãi tại các cổ phiếu "lạ" đã giúp công ty chứng khoán này có một quý 2 đột biến.
CTCP Chứng khoán Nhất Việt (Mã VFS - HNX) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu hoạt động giảm gần 50% so với cùng kỳ còn 38,6 tỷ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng tự doanh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 17,3 tỷ - giảm 58% YoY.
Ngược lại, thu từ lãi cho vay và phải thu và doanh thu môi giới tăng lần lượt 19,5% và 32,8% lên 10,4 tỷ và 8,5 tỷ đồng. VFS cũng thu về 20 tỷ doanh thu tài chính - gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính được tiết giảm mạnh từ 39 tỷ về còn 6,1 tỷ đồng (trong đó gần 73% là chi phí môi giới). Bên cạnh đó, lỗ tự doanh của VFS cũng giảm từ mức 33,3 tỷ đồng về còn 0,6 tỷ.
Khấu trừ các khoản thuế phí, Chứng khoán Nhất Việt ghi nhận lãi sau thuế quý 2 ở mức 37,2 tỷ đồng - tăng 30% YoY và gấp 5,7 lần quý đầu năm.
Lũy kế 6 tháng, công ty đạt gần 135 tỷ đồng doanh thu hoạt động - tăng 50% so với bán niên 2022 (chủ yếu nhờ đột biến trong quý 1). Dù vậy, kết quả kinh doanh kém tích cực trong quý 1 khiến biên lãi ròng giảm còn 32,4% - tương ứng lợi nhuận sau thuế 43,7 tỷ.
Ghi nhận tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của VFS đạt 1.055 tỷ đồng trong đó tiền mặt gần 595 tỷ (chiếm 53,4%); dư nợ cho vay và phải thu tăng 14% so với đầu năm, đạt 322 tỷ; giá trị danh mục tự doanh giảm 65% còn gần 115 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, các khoản đầu tư lớn nhất của Chứng khoán Nhất Việt đến cuối quý 2 là cổ phiếu HHC (giá trị gốc 64,4 tỷ đồng - tăng mua so với đầu năm); công ty cũng mua mới cổ phiếu HTP (hơn 10,4 tỷ) và TDP (14,5 tỷ đồng). Cả 3 khoản đầu tư này đang mang về hơn 24 tỷ đồng lãi tạm tính cho VFS. So với các công ty chứng khoán lớn đầu ngành thường chọn đầu tư cổ phiếu mid/largecap, danh mục cổ phiếu tự doanh của VFS là khá lạ lẫm.
Ở chiều ngược lại, TSJ đã chốt lời khoản đầu tư 60,3 tỷ đồng tại cổ phiếu TSJ của CTCP Du lịch Dịch vụ Hà Nội. Tại thời điểm đầu năm, giá hợp lý của khoản đầu tư này là hơn 120 tỷ (tương đương lãi gấp đôi giá gốc đầu tư).
Cùng chiều, công ty đã chốt lời toàn bộ cổ phiếu EVF, STB (tổng giá gốc đầu tư 133,5 tỷ đồng) trong khi bán lỗ các khoản đầu tư tại cổ phiếu MWG, MIC, IJC, TSC. Các cổ phiếu này hiện không còn ghi nhận trong danh mục tự doanh cổ phiếu tại thời điểm 30/6.
Nợ phải trả tiếp tục giảm về dưới 24 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu ghi nhận hơn 1.031 tỷ (bao gồm 226,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối).
Dù kinh doanh khởi sắc song trên thị trường, cổ phiếu VFS là một trong những mã tệ nhất ngành khi chỉ tăng 42% từ đầu năm (kết phiên 25/7 tại mức 25.100 đồng). Đáng nói, đà tăng chỉ được ghi nhận nhờ nhịp lên giá 1 tuần trở lại đây. 5 tháng liền trước đó, VFS liên tục điều chỉnh.
Bình luận (6)