Chứng khoán APG đóng cửa tất cả phòng giao dịch, chi nhánh và chuyển trụ sở chính vào TP. HCM. Công ty đang tái cơ cấu danh mục đầu tư với các cổ phiếu thua lỗ đậm như GKM, LDP.
Chứng khoán APG sẽ chuyển trụ sở vào TP. HCM. Ảnh minh họa: PV
Chuyển trụ sở, vay vốn nước ngoài
Gần hết năm, Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã: APG) vừa có quyết định chuyển trụ sở hoạt động từ TP. Hà Nội vào TP. HCM. Cụ thể, công ty sẽ chuyển trụ sở chính tại tầng 5, Tòa nhà Grand Building, số 30 – 32 Hòa Mã, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội đến Tòa nhà văn phòng OSC Việt Nam, 161 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sau, quận 3, TP. HCM.
HĐQT giao và ủy quyền Phó Chủ tịch HĐQT cùng Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, bao gồm nhưng không giới hạn việc quyết định toàn bộ nội dung và ký hợp đồng thuê văn phòng với đối tác cho thuê là Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam.
Trước đó, doanh nghiệp thông báo đóng cửa chi nhánh TP. HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế (Hà Nội). Lý do là thực hiện tái cấu trúc công ty, chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch.
Chứng khoán APG có 3 cơ sở kinh doanh gồm trụ sở chính ở Hà Nội, chi nhánh tại TP. HCM và phòng giao dịch 132 Mai Hắc Đế (Hà Nội). Như vậy, công ty bỏ trụ sở chính và phòng giao dịch tại Hà Nội để vào TP. HCM.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn có chủ trương vay vốn công ty/ quỹ đầu tư nước ngoài để có thêm nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh. Tổng số vốn vay dự kiến 16 triệu SGD, tương đương 300 tỷ đồng, thời hạn vay dự kiến 11 tháng 15 ngày (dưới 12 tháng).
Cơ cấu danh mục đầu tư
Bên cạnh đó, công ty có động thái cơ cấu danh mục đầu tư. Cụ thể, từ ngày 25/12 đến 23/1, Chứng khoán APG đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu GKM của Công ty cổ phần GKM Holdings. Nếu giao dịch thành công, công ty sẽ giảm sở hữu từ 5 triệu cổ phiếu GKM xuống 3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ giảm từ 16,08% xuống 9,71%.
Cùng khoảng thời gian, công ty chứng khoán do ông Nguyễn Hồ Hưng làm Chủ tịch HĐQT muốn bán 1 triệu cổ phiếu LDP của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng – Ladophar. Giao dịch thành công, công ty sẽ giảm sở hữu từ 2,4 triệu đơn vị xuống 1,4 triệu đơn vị, tỷ lệ giảm từ 18,9% xuống 11%.
Tại cuối quý III, danh mục FVTPL của công ty là cổ phiếu niêm yết có giá gốc 646,6 tỷ đồng nhưng giá hợp lý 503 tỷ đồng, tức tạm lỗ 144 tỷ đồng. Chứng khoán APG chủ yếu đầu tư vào các cổ phiếu gồm GKM, KOS, LDP.
Cổ phiếu GKM vừa có đợt lao dốc mạnh từ vùng 40.000 đồng/cp xuống 4.700 đồng/cp trong 4 tháng, trong khi giá gốc bình quân Chứng khoán APG đầu tư vào cổ phiếu này khoảng 33.000 – 34.000 đồng/cp. Tương tự, cổ phiếu LDP cũng có đà giảm mạnh từ 24.000 đồng/cp về 9.600 đồng/cp tính từ tháng 4 đến nay trong khi giá gốc đầu tư của công ty là 19.500 đồng/cp.
Diễn biến này đã khiến Chứng khoán APG bị lỗ khủng 148 tỷ đồng quý III dù nửa đầu năm có lãi và cùng kỳ năm trước chỉ lỗ 6,4 tỷ đồng. Qua đó, lũy kế 9 tháng công ty lỗ 98 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 102 tỷ cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, công ty chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động 26 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm từ 14,8 tỷ về 5,5 tỷ đồng, không có lãi từ lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Song, lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng từ 2,4 tỷ lên 6 tỷ, doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng từ 1,3 tỷ lệ 9,5 tỷ đồng, có thêm nguồn thu từ nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán… Ngược lại, công bị lỗ FVTPL đến 160 tỷ đồng do chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính.
Về mặt tài sản, vào cuối quý III, APG có tổng tài sản 2.730 tỷ đồng, tăng thêm hơn 900 tỷ so với đầu năm nhờ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu từ 1.536 tỷ đồng lên 2.306 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ và tăng nợ vay.
Bên cạnh đầu tư cổ phiếu thì công ty còn có 221 tỷ đầu tư vào trái phiếu dài hạn; hơn 464 tỷ đầu tư vào loạt doanh nghiệp như Công ty cổ phần APG ECO Hòa Bình, Công ty cổ phần APG Energy, Công ty cổ phần Tập đoàn Agri-Vina…
Ngoài ra, Chứng khoán APG còn phát sinh hơn 406 tỷ phải thu bán tài sản tài chính cho loạt cá nhân, thu cổ tức, tiền lãi đến ngày nhận; và 826 tỷ trả trước cho người bán (chủ yếu là cho Công ty cổ phần cụm công nghiệp APG và Công ty cổ phần APC Holdings, Công ty cổ phần Eco HT). Cả 2 khoản này đều tăng đột biến, gấp nhiều lần so với đầu năm.
Cổ phiếu giảm sâu, lãnh đạo liên tục thoái vốn
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu APG hiện giao dịch ở vùng 6.710 đồng/cp, giảm 57% so với vùng giá tháng 3.
Diễn biến cổ phiếu APG trong 1 năm qua. Nguồn: TradingView
Trong bối cảnh đó, các cổ đông lớn, lãnh đạo công ty liên tục bán cổ phiếu. Cụ thể, ông Nguyễn Hồ Hưng, Chủ tịch HĐQT đã bán 5 triệu cổ phiếu APG giảm sở hữu xuống 6,78 triệu đơn vị, tỷ lệ 3,03%, không còn cổ đông lớn kể từ 4/10.
Ông Trần Thiên Hà, Tổng Giám đốc bán 673.010 cổ phiếu giảm sở hữu xuống 340.000 cổ phiếu từ ngày 21/8 đến 17/9. Thành viên HĐQT Võ Quý Lâm bán thành công 243.874 cổ phiếu APG trên 321.874 cổ phiếu đăng ký bán từ 23/9 đến 22/10 và đăng ký bán tiếp 200.000 đơn vị từ 19/12 đến 17/1/2025.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Người Phụ trách Quản trị công ty/ Thư ký HĐQT bán được 226.090 cổ phiếu trong 236.090 cổ phiếu đăng ký bán từ 12/9 đến 1/10. Bà Nguyễn Thị Phương, cựu Trưởng ban Kiểm toán nội bộ trước khi xin từ nhiệm đã bán toàn bộ 351.135 cổ phiếu từ ngày 29/8 đến 30/8.
Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Thanh Nghị, Kế toán trưởng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu từ ngày 4/9 đến 16/9 nhưng thực tế chỉ mua 41.300 cổ phiếu. Đồng thời, Chủ tịch Nguyễn Hồ Hưng trước khi bán 5 triệu cổ phiếu APG cũng có đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu từ 25/7 đến 23/8, song kết quả là không mua cổ phiếu nào do không đạt được giá kỳ vọng.
Bình luận (5)