Trung tâm phân tích Chứng khoán An Bình (ABS Research) cho thị trường chung đang cho áp lực điều chỉnh giảm, các kịch bản giao dịch hướng tới các chiến lược mua vào vị thế ngắn hạn khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận về hỗ trợ đáng tin cậy.
Nhiều tâm điểm trong tháng 11
Theo ABS Research, có nhiều tâm điểm của thị trường chứng khoán trong tháng 11, cụ thể:
Việc cải cách thể chế với việc nhiều bộ luật được sửa đổi trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được kỳ vọng gỡ các nút thắt thể chế hỗ trợ tăng trưởng, với lần đầu tiên Quốc hội áp dụng việc một luật sửa nhiều luật và thông qua các Nghị quyết thí điểm về các vấn đề cấp bách. Ngoài ra, kỳ họp lần này dự kiến thông qua chủ trương thực hiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc với dự toán 67 tỷ USD, là lực đẩy cho đầu tư công trong 2025.
Chính sách thương mại của ông Trump dự kiến đánh thuế vào hàng hóa Trung Quốc lên đến 60%, một mặt giúp nhiều mặt hàng thay thế của Việt Nam có sức cạnh tranh hơn khi xuất khẩu sang Mỹ, nhưng mặt khác có thể khiến hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ.
Các động thái gần đây về việc một số nhà cung ứng lớn cho các tập đoàn công nghệ Mỹ thân chính phủ Trump như SpaceX dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, cũng như xu hướng hợp tác công nghệ Mỹ - Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hưởng lợi.
Về mặt định giá, với sự sụt giảm của VN-Index trong tháng 10 và kết quả kinh doanh quý 3/2024 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, P/E của VN-Index giảm từ 14.05x cuối tháng 9 xuống 13.36x cuối tháng 10. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 dự kiến ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh được dự báo tiếp tục phục hồi trong quý cuối năm.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12.2x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (17.56x) và VNSML (13.06x).
Hai kịch bản nhưng cùng một xu hướng
Với các diễn biến nêu trên, ABS Research cho rằng, mặc dù triển vọng kinh tế Việt Nam khá tích cực nhưng trong ngắn hạn thị trường vẫn phải đối mặt với khó khăn về dòng tiền khi vốn ngoại tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng trở lại.
Trước áp lực về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thực hiện hút tiền qua kênh thị trường mở trong khi ngành ngân hàng đang cần thanh khoản để đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp cuối năm. Do đó, ABS Research dự báo hai kịch bản cho thị trường trong tháng 11:
Kịch bản đầu tiên là thị trường tiếp tục suy giảm với thanh khoản giao dịch yếu (10 - 12 ngàn tỷ đồng/phiên) về biên dưới của mốc hỗ trợ quanh 1,225 điểm, tín hiệu mua khi đó cần xem trên biểu đồ H1 (1 giờ) có nến rút chân tương đối mạnh, nhà đầu tư có thể mở vị thế mua ngắn hạn.
Ở kịch bản 2, khi thị trường giảm qua vùng 1,125 với thanh khoản lớn và không cho tín hiệu cầu mua chủ động, nhà đầu tư nên chờ giao dịch ở vùng 1,190 - 1,207 và 1,164 - 1,190, đều là các mốc hỗ trợ quan trọng thiết lập bởi vùng đáy cũ ghi nhận trong tháng 4 và tháng 8/2024 và đỉnh của năm 2023, hợp lưu ngưỡng Fibonacci 50%.
Thị trường chung đang cho thấy áp lực điều chỉnh giảm, các kịch bản giao dịch hướng tới các chiến lược mua vào vị thế ngắn hạn khi VN-Index và cổ phiếu tiệm cận về hỗ trợ đáng tin cậy.
Nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xu hướng vĩ mô như: bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản, công nghệ, thực phẩm… Nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành, có yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt, thể hiện sức mạnh hơn thị trường chung hoặc các cổ phiếu tạo mô hình đáy…
Bình luận (22)