Sau 25 năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vươn lên thành kênh dẫn vốn trung – dài hạn quan trọng, cho thấy sức bật cải cách và hội nhập. Với dòng tiền nội gia tăng, cải cách hạ tầng được thúc đẩy và mục tiêu nâng hạng đang đến gần.
Ngày 28/7/2000 đánh dấu phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với chỉ vỏn vẹn hai mã cổ phiếu. 25 năm sau, thị trường đã vươn mình mạnh mẽ để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, đồng thời là biểu tượng cho quá trình hội nhập, cải cách và phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Thị trường chứng khoán bứt phá
Theo ông Bùi Ngọc Trung – chuyên gia tại Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, dấu ấn lớn nhất của TTCK Việt Nam trong chặng đường 25 năm qua chính là việc từng bước thay thế và bổ trợ cho hệ thống ngân hàng trong vai trò dẫn vốn trung – dài hạn, đồng thời ngày càng hội nhập sâu với thị trường tài chính quốc tế.
“Sự kiện Việt Nam đang tiệm cận quá trình được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện cơ chế vận hành, chuẩn hóa hạ tầng và nâng cao năng lực minh bạch của thị trường. Từ một phiên giao dịch sơ khai với giá trị nhỏ, đến nay, thị trường đã ghi nhận quy mô vốn hóa đạt xấp xỉ 7 triệu tỷ đồng, tương đương 70% GDP, với hàng trăm doanh nghiệp niêm yết và hơn 10 triệu tài khoản đầu tư – chiếm khoảng 10% dân số” – ông Trung nhấn mạnh.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán không chỉ đến từ quy mô, mà còn ở chất lượng dòng tiền và cơ cấu nhà đầu tư, với dòng tiền nội – đặc biệt từ nhà đầu tư cá nhân – vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2024–2025. Các doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát... ngày càng đóng vai trò dẫn dắt, tận dụng tốt thị trường vốn để mở rộng quy mô và đa dạng hóa nguồn lực.
Với kinh nghiệm gần một thập kỷ gắn bó cùng thị trường, đại diện FinSuccess khẳng định, việc nâng hạng thị trường hay VN-Index thiết lập các cột mốc mới trong năm 2025 là điều tất yếu, khi định hướng đã rõ ràng, lộ trình minh bạch và cơ hội đang mở ra lớn hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo chuyên gia từ Mirae Asset, để thị trường cất cánh, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng và pháp lý. Hệ thống KRX, cơ chế Non-prefunding và sắp tới là CCP vào năm 2026 chính là nền tảng triển khai các sản phẩm mới như T+0, bán khống. Đồng thời, thúc đẩy minh bạch, giảm đầu cơ, tăng hàng hóa chất lượng sẽ là chìa khóa để đón dòng vốn ngoại khi thị trường được nâng hạng.
Không chỉ dừng ở những con số về quy mô thị trường hay lượng tài khoản cá nhân, TTCK Việt Nam sau 25 năm còn để lại dấu ấn rõ nét ở khả năng thích nghi và phục hồi qua những giai đoạn biến động. Theo ông Nguyễn Công Trạng – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư FinSuccess, các cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung năm 2018, đại dịch Covid-19 hay cú sốc trái phiếu và rủi ro hệ thống trong giai đoạn 2022–2023 đã trở thành những “ngọn lửa thử vàng”, rèn giũa sức bền cho thị trường.
“Yếu tố then chốt trong giai đoạn tới chính là sự phát triển đồng bộ. Khi trung tâm tài chính quốc tế được xác định là nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thì việc nâng cấp toàn diện thị trường tài chính – trong đó có thị trường chứng khoán cần trở thành nhiệm vụ trọng tâm” – ông Trạng chia sẻ.
Cũng theo ông Trạng, điều kiện hiện tại đang hội tụ đủ “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để thị trường bứt phá: từ ổn định chính trị, định hướng phát triển kinh tế tư nhân, cải cách thể chế tài chính đến sự chuyển mình của doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, nếu ba trụ cột gồm cơ chế quản lý, năng lực doanh nghiệp và trình độ nhà đầu tư không đồng bộ, thị trường có thể đối mặt với những biến động ngoài dự báo.
Niềm tin thị trường ngày càng vững hơn
Cùng chung quan điểm về giá trị dài hạn của TTCK, ông Trương Đắc Nguyên – Giám đốc đầu tư Công ty CP Blue Horizon nhìn nhận, việc VN-Index chạm ngưỡng cao lịch sử 1.531 điểm trong tháng 7/2025 không chỉ là một cột mốc về điểm số, mà còn là lời khẳng định cho những giá trị tích lũy suốt 25 năm phát triển.
“TTCK không chỉ là nơi huy động vốn, mà còn là động lực thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hiện đại hóa mô hình quản trị và tăng tính minh bạch trong vận hành” – ông Nguyên nhận định.
Theo chuyên gia từ Blue Horizon, thay vì tích trữ tài sản thụ động như vàng hay bất động sản, gần 10 triệu tài khoản chứng khoán hiện nay cho thấy một lớp nhà đầu tư mới đang hình thành, có hiểu biết, có khả năng tiếp cận và sẵn sàng tham gia vào sự phát triển chung của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Các doanh nghiệp lớn như SAB, GAS, BSR, Vietnam Airlines… đều là minh chứng rõ nét cho quá trình chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang mô hình doanh nghiệp niêm yết công khai, buộc phải định giá rõ ràng, báo cáo tài chính kiểm toán, công bố thông tin định kỳ và chịu sự giám sát từ cổ đông.
“TTCK đã trở thành “bộ lọc” tự nhiên, giúp phân loại, sàng lọc và tạo động lực cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực và khát vọng phát triển vươn lên. Bên cạnh đó, thị trường cũng đã góp phần hình thành tư duy tài chính hiện đại cho người dân” – ông Nguyên cho biết.
Ngoài ra, chuyên gia từ Blue Horizon cũng khẳng định, sự cải thiện của thanh khoản và sự trở lại của dòng vốn ngoại thời gian qua là chỉ dấu cho niềm tin ngày một vững chắc. Các nhà đầu tư nước ngoài vốn luôn ưu tiên những thị trường minh bạch, sôi động và ổn định. Khi họ quay lại, không chỉ là vốn FII, mà còn là các cơ hội hợp tác chiến lược, các thương vụ M&A lớn, từ đó nâng tầm doanh nghiệp nội địa cả về quy mô lẫn công nghệ.
Tuy nhiên, để giữ chân được dòng vốn này, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện các điều kiện tiếp cận thị trường, nới lỏng giới hạn sở hữu ngoại, tháo gỡ những rào cản về cơ chế thanh toán và đảm bảo trải nghiệm minh bạch, hiệu quả cho nhà đầu tư toàn cầu. Đồng thời, thị trường vẫn cần mở rộng hệ sinh thái sản phẩm – từ các quỹ chuyên biệt, chứng khoán phái sinh ngành, đến các sản phẩm ESG phù hợp với xu hướng toàn cầu.
25 năm qua, TTCK Việt Nam đã không chỉ chứng minh vai trò là kênh dẫn vốn, mà còn trở thành công cụ tái cấu trúc doanh nghiệp, là biểu tượng phản ánh kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Trong hành trình tiếp theo, để thực sự trở thành trụ cột vững chắc của nền tài chính quốc gia, TTCK cần một nền pháp lý hoàn thiện, một hệ sinh thái sản phẩm đa dạng và sự hiện diện ngày càng rõ nét của các doanh nghiệp đầu ngành – những “hàng hóa chất lượng cao” của thị trường trong thời kỳ mới.





