Cổ phiếu KHB và PGT ghi nhận chuỗi tăng trần hàng chục phiên, trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khá nghèo nàn và lỗ lũy kế lớn.
Thị trường chứng khoán đang dao động giằng co, dòng tiền đầu cơ bắt đầu xuất hiện ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Điều này giúp một số cổ phiếu gây bất ngờ với chuỗi tăng trần ấn tượng hàng chục phiên đi kèm thanh khoản tăng cao.
Trong đó đáng chú ý nhất là mã chứng khoán KHB của Công ty Khoáng sản Hòa Bình vừa có chuỗi tăng trần 11 liên tiếp, lên mức 8.200 đồng/cổ phiếu (chốt tại ngày 15/9). Đây là mã tăng tốt nhất trên sàn UPCoM trong vòng một tháng qua.
Cổ phiếu KHB và PGT tăng trần hàng chục phiên trong tháng 9. Đồ thị: TradingView.
KHB tăng giá 720% từ đầu năm
Đà tăng của KHB chỉ thực sự bắt đầu từ cuối tháng 8 đến nay với mức tăng giá hơn 270%. Ngoài ra, mã chứng khoán này cũng từng có một đợt tăng đột biến khác vào đầu tháng 4. Tính từ đầu năm, nhà đầu tư nắm giữ KHB đã có lãi đến 720%
Biến động giá đi sau biến động cổ đông và nhân sự với việc nhóm lãnh đạo và người thân bắt đầu bán cổ phiếu từ giữa tháng 4. Ngoài ra, nhà đầu tư Lê Hải Đoàn cũng bán 620.000 cổ phiếu KHB để giảm tỷ lệ sở hữu về 4,88% và không còn là cổ đông lớn.
Mặc dù thị giá có diễn biến tích cực, hoạt động kinh doanh của Khoáng sản Hòa Bình lại khá nghèo nàn. Liên tục giai đoạn 2017-2020, doanh nghiệp khoáng sản này không phát sinh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Sang năm 2020, công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu trở lại với con số 287 triệu đồng và báo lỗ ròng 271 triệu đồng. Khoản lỗ này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 5 tỷ đồng trong năm 2019. Tại thời điểm cuối năm 2020, công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế 148 tỷ đồng.
Tại báo cáo soát xét bán niên năm 2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt hơn 191 triệu đồng (cùng kỳ không có doanh thu thuần). Trừ đi các chi phí, công ty lỗ ròng 108 triệu đồng, gần tương đương với cùng kỳ. Lỗ lũy kế, theo đó, lên gần 149 tỷ đồng.
Cũng trên báo cáo này, tổng tài sản tại doanh nghiệp chỉ còn hơn 210 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và cho vay ngắn hạn gần 83 tỷ đồng, trong khi công ty trích lập dự phòng đến 84 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi.
Ngoài ra, một tài sản lớn khác là khoản phải thu dài hạn 153 tỷ đồng, chủ yếu của CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Gia Lai và CTCP Sơn Penmax. Đây là hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác nhằm đầu tư dây chuyền sản xuất gạch từ năm 2015 và mở rộng quy mô của nhà máy tại Hà Tĩnh.
Cũng lưu ý rằng công ty kiểm toán đã từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính của Khoáng sản Hòa Bình năm 2017, 2018, dẫn đến việc phải hủy niêm yết HNX từ ngày 17/6/2019 và chuyển giao dịch về UPCoM.
Dù gặp nhiều khó khăn, công ty lại đặt mục tiêu kinh doanh 2021 khá tham vọng. Chỉ tiêu doanh thu lên đến 150 tỷ và lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng. Ban lãnh đạo khẳng định sẽ tạo doanh thu tại nhà máy gạch thuộc đối tác Vật liệu xây dựng Gia Lai, khai thác 18.000 m2 đất tại tỉnh Hòa Bình, thu hồi tài sản góp vốn tại các doanh nghiệp khác…
PGT tăng giá hơn 450%
Một trường hợp tương đồng là cổ phiếu PGT của PGT Holdings. Mã chứng khoán này cũng có chuỗi 12 phiên tăng liên tiếp, lên 16.000 đồng/cổ phiếu, trong đó có 11 phiên tăng kịch trần.
Tính trong một tháng gần nhất, nhà đầu tư kiên trì nắm giữ cổ phiếu PGT đã có mức sinh lời hơn 200% và nếu nắm giữ từ đầu năm thì tỷ suất sinh lời hơn 450%.
PGT cũng từng "dậy sóng" khi tăng hơn 166% chỉ trong hai tháng đầu năm. Tuy vậy, cổ phiếu này nhanh chống lao dốc sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về khả năng bị hủy bỏ niêm yết do đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến trái ngược với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020.
Công ty đã thực hiện công bố giải trình về các ý kiến trên báo cáo tài chính kiểm toán cũng như giải trình về nguyên nhân cổ phiếu vào diện bị kiểm soát, do đó cổ phiếu PGT hiện đã giao dịch toàn thời gian bình thường trên sàn niêm yết HNX.
Về hoạt động kinh doanh, PGT Holdings chỉ ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 437 triệu đồng, bằng 6% so với con số thực hiện cùng kỳ.
Những năm trước đây công ty thường xuyên lỗ hàng chục tỷ đồng, do đó lỗ lũy kế đến cuối quý vừa qua vẫn còn hơn 56 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền thuần từ kinh doanh âm hơn 6 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.
Dù vậy đà tăng giá của PGT có thể đến từ thông tin chuyển đổi hoạt động kinh doanh gần đây. Theo đó, PGT định hướng đẩy mạnh sang lĩnh vực M&A, đầu tư vào các công ty Vĩnh Đại Phát (chuyên lĩnh vực cung ứng nguồn lao động), Công ty TNHH Vina Terrace Hotel (chuyên lĩnh vực khách sạn và đầu tư) hay góp vốn vào công ty TNHH BMF Microfinance (BMF) chuyên về lĩnh vực tài chính vi mô tại Myanmar.
Ngoài ra, công ty cũng cơ cấu lại danh mục đầu tư để đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế. Một trong số đó là cung cấp các dịch vụ công nghệ số hóa như Tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing) và Chuyển đổi kỹ thuật số (Digital Transformation)…
Bình luận (25)