Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cách Thái Hưng Group không ngừng mở rộng

Là nhà đầu tư đời đầu ở Thái Nguyên, Thái Hưng không chỉ tích góp được quỹ đất, mà còn là sự am hiểu lẫn quan hệ sâu rộng tại địa phương này.

Phối cảnh khu đô thị Thái Hưng Crown Villas toạ lạc ở trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh Thái Hưng.

Gom cổ phần loạt doanh nghiệp

Là tỉnh trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc bộ, Thái Nguyên được coi như "cái nôi" của ngành luyện kim Việt Nam. Điều này đã được minh chứng bởi sự lớn mạnh của nhiều thương hiệu thép nổi tiếng tại địa phương này, trong đó CTCP Thương mại Thái Hưng có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị khi sản lượng tiêu thụ thép bình quân hàng năm chiếm khoảng 13% thị phần thép của Việt Nam.

Tiền thân của Thái Hưng là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ kim khí Thái Hưng được thành lập năm 1993 tại tỉnh Thái Nguyên. Gọi là doanh nghiệp tư nhân, nhưng ban đầu Thái Hưng chỉ là một cửa hàng dịch vụ kim khí nhỏ lẻ do vợ chồng bà Nguyễn Thị Cải, ông Nguyễn Quốc Thái thành lập. 

Những năm sau đó, Thái Hưng đã tập trung mở rộng quy mô doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh đa ngành, mở các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương,...

Sau khi tích góp được nguồn lực, giai đoạn năm 2009, Thái Hưng liên tục thực hiện mua lại cổ phần của các công ty do nhà nước thoái vốn, bao gồm: CTCP B.C.H (mã BCA) và CTCP Thương Mại Cao Bắc, hay mua các doanh nghiệp khác là Công ty TNHH MTV Cốp pha Thép Thái Hưng (tiền thân là Công ty TNHH MTV Cốp pha Thép Việt Phương), CTCP Phát hành sách Thái Nguyên (mua lại vào tháng 2/2011), CTCP Lâm sản Thái Nguyên (mua lại vào tháng 8/2011).

Năm 2015, Thái Hưng tổ chức Đại hội cổ đông thường niên và bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2015-2020, bà Nguyễn Thị Cải và ông Nguyễn Quốc Thái đã bàn giao lại hầu hết các vị trí lãnh đạo Công ty cho thế hệ F2. Kể từ đây, ông Nguyễn Văn Tuấn đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Hưng, bà Nguyễn Thị Vinh đảm nhận chức danh Tổng Giám đốc. Ở lần thay đổi gần nhất (tháng 2/2022), vốn điều lệ của công ty đạt 1.500 tỷ đồng.

Sinh năm 1972, bà Nguyễn Thị Vinh nên biết hiện còn là Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Thái Nguyên, năm vừa qua bà được tôn vinh là 1 trong 10 "Công dân Thái Nguyên tiêu biểu" ở lĩnh vực lao động sản xuất kinh doanh. 

Phần giới thiệu về lịch sử doanh nghiệp của Thái Hưng. Ảnh Thái Hưng

Dưới thời bà Vinh làm Tổng giám đốc, Thái Hưng tiếp tục thực hiện nhiều thương vụ mua lại cổ phần của các công ty thép khác.

Theo đó, vào tháng 6/2016, khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn tại CTCP Thép Việt Ý (tên viết tắt: Visco, mã VIS), Thái Hưng đã liên tục gom cổ phiếu VIS và trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối tại Visco. Tuy nhiên, "mối nhân duyên" của Thái Hưng với Visco không bền, sau đó khoảng 1 năm Visco đã đón đối tác ngoại – một công ty thép Nhật Bản là Kyoei Steel về làm đối tác chiến lược. Kể từ đó Kyoei Steel dần tăng tỷ lệ sở hữu tại Visco và tính đến hiện tại đã nắm giữ 73,81% vốn điều lệ của Thép Việt Ý. Còn Thái Hưng giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20%.

Từ cuối tháng 2/2017, Thái Hưng bắt đầu trở thành cổ đông lớn của CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – mã CK: TIS) khi mua 14,1 triệu cổ phiếu TIS (tương ứng tỷ lệ 5%). Vài tháng sau đó, Thái Hưng tiếp tục mua thêm cổ phiếu TIS, nâng lượng sở hữu sau các giao dịch lên mức 36,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 20% vốn điều lệ của Tisco. Tỷ lệ này giữ nguyên cho đến hiện nay bởi Thái Hưng đã có nhiều động thái thoái bớt vốn tại Tisco nhưng không thành.

Đến tháng 6/2020, Tisco và Thái Hưng đang lần lượt nắm giữ 6,8% và 56,5% vốn Công ty TNHH Natsteel Vina - doanh nghiệp sản xuất sắt, gang thép tại tỉnh Thái Nguyên.

Hệ sinh thái này còn có CTCP Cao Dương Phát - pháp nhân được Thái Hưng chi 56,1 tỷ đồng mua lại từ chính công ty thành viên là CTCP Phát hành sách Thái Nguyên (mã STH); CTCP Đầu tư phát triển IMUS - Công ty do ông Nguyễn Thượng Nguyên làm Giám đốc (con trai ông Nguyễn Quốc Thái). Bên cạnh đó là CTCP Giáo dục và Đào tạo Eco Valley Việt Nam - Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, quản lý vận hành bất động sản. Thời điểm mới thành lập, Eco Valley Việt Nam có vốn điều lệ 65 tỷ đồng, ngoài bà Nguyễn Thị Vinh góp 75% vốn thì còn có bà Lê Thị Hồng Hạnh (10%) và ông Hoàng Quốc Bình (15%).

Nhập cuộc chơi bất động sản

Sau 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển trong lĩnh vực kinh doanh chủ đạo là thương mại thép xây dựng, Thái Hưng đã chính thức đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với dự án Khu đô thị Crown Villas quy mô hơn 35ha tại tỉnh Thái Nguyên, trong đó 21,44ha thuộc diện tích Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng.

Khu đô thị Crown Villas tọa lạc tại vị trí đắc địa trên đường Cách mạng Tháng 8, ngay "cửa ngõ" TP. Thái Nguyên. Nguồn gốc lô đất vàng này vốn thuộc sở hữu của CTCP luyện cán thép Gia Sàng. Tháng 7/2016, Công ty Thái Hưng tham gia mua đấu giá tài sản của CTCP luyện cán thép Gia Sàng và trúng đấu giá tài sản với số tiền gần 57 tỷ đồng, bao gồm cả Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng.

Ban đầu Thái Hưng cam kết sẽ đưa nhà máy thép Gia Sàng hoạt động trở lại, tuy nhiên, đến tháng 6/2017, công ty này đã cho nhà máy dừng hoạt động với lý do không mang lại hiệu quả. Đồng thời, Công ty Thái Hưng đã đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép để thực hiện dự án bất động sản trên lô đất vàng của thép Gia Sàng.

Tháng 10/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức cho phép Công ty Thái Hưng chuyển mục đích sử dụng gần 21,4 ha đất của Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng sang mục đích xây dựng Khu đô thị mới Thái Hưng Eco City (sau đó có tên thương mại là Crown Villas) mà không thông qua đấu giá.

Dự án Crown Villas có tổng mức đầu tư là 2.100 tỷ đồng, được chia thành 4 tiểu khu là: Iris, Hermes, Helios, Poseidon với nhiều tiện ích trong đó nổi trội là Trường Mầm non Iris - Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS (Iris School) tại tỉnh Thái Nguyên.

Cần nhấn mạnh rằng thông qua các doanh nghiệp thành viên, Thái Hưng cũng sở hữu cho mình quỹ đất đáng nể.

Điển hình là CTCP Phát hành sách Thái Nguyên (mã STH), tiền thân là Công ty Phát hành sách Thái Nguyên thuộc sở hữu 100% của nhà nước và được cổ phần hóa năm 2003, với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. Năm 2008, công ty tăng vốn lên 2 tỷ đồng và đến năm 2010 nhà nước thoái toàn bộ vốn. Lúc này, STH chính thức gia nhập hệ sinh thái của Thái Hưng.

Thời điểm đó, STH chỉ có vốn điều lệ vỏn vẹn 2 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là bán sách báo, văn phòng phẩm…và đang ở trong tình trạng kinh doanh kém hiệu quả, song không quá lời khi nói sức hấp dẫn của PHS Thái Nguyên đến từ việc doanh nghiệp này sở hữu nhiều nhà sách nằm trên những vị trí đắc địa của Thái Nguyên, điển hình là lô đất "vàng" tại địa chỉ 65 Hoàng Văn Thụ.

Tại lô đất này, tháng 8/2022, STH đã có phương án xây dựng Dự án Thai Hung Complex Tower tổng mức đầu tư là hơn 265 tỷ đồng. Đây là dự án được định vị là công trình đa chức năng, gồm nhiều tiện ích như văn phòng cho thuê, lưu trú cao cấp, tổ chức sự kiện,…

Trước đó vào năm 2020, STH còn phát hành 13 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 65 tỷ đồng 195 tỷ đồng. Đáng chú ý, mục đích phát hành là tăng vốn góp hợp tác kinh doanh để nâng tỷ lệ sở hữu tài sản đồng kiểm soát tại công trình Trường mầm non IRIS và trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông IRIS. Đây là dự án mà STH ký hợp tác với chính Công ty Thái Hưng. Song đến tháng 6/2022, công ty này đã thông qua phương án thu hồi vốn tại dự án này nhằm đảm bảo quyền lợi, tổng số tiền thu hồi được tính đến tháng 6/2023 là 45 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có CTCP Lâm sản Thái Nguyên - doanh nghiệp được Thái Hưng mua lại vào tháng 8/2011. Đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất gỗ dán, ván ép, song Lâm sản Thái Nguyên nên biết còn là chủ đầu tư dự án HTD City Thái Nguyên quy mô 18.084,2 m2.

Ngoài ra, hệ sinh thái của nhóm này còn phải nhắc đến CTCP Đầu tư Minh Đức Group - Chủ đầu tư cụm công nghiệp Hà Châu 2 có diện tích 44,69ha. Minh Đức Group ra đời vào tháng 2/2021 và có vốn điều lệ 160 tỷ đồng (tại ngày 11/4/2023). Hiện nay Tổng Giám đốc kiêm đại diện của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Duy Luân - Phó Tổng giám đốc Thái Hưng.

Các doanh nghiệp liên hệ với Thái Hưng làm ăn ra sao?

Trong các doanh nghiệp mà Thái Hưng đang nắm cổ phần thì TIS là đáng chú ý hơn cả với doanh thu thuần trong năm 2023 lên đến 9.530 tỷ đồng, song công ty này lại lỗ ròng gần 180 tỷ. Còn với BCA, nhờ khoản lãi đột biến khi hợp nhất công ty con là Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang (TQIS), BCA đã báo lãi ròng gần 398 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 74 tỷ đồng. Về phần mình, STH ghi nhận kết quả kinh doanh khá khiêm tốn với lợi nhuận sau thuế năm 2023 ở mức 1,23 tỷ đồng.

Khánh An

Bình luận (3)

t ở thái nguyên và t biết đó là thế lực lớn
13:54
STH tiền lớn còn kéo mạnh
06:59

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long